Giai đoạn thứ 2 trong ăn dặm bé chỉ huy hay còn được gọi là giai đoạn phát triển kỹ năng: bốc nhón và tập thìa. Ở giai đoạn này bé sẽ sẽ bắt đầu tập các kĩ năng về bốc nhón, sau khi hoàn thiện bé sẽ chuyển sang giai đoạn tập thìa. Bố mẹ hãy cùng FamiEdu tìm hiểu về những đặc điểm của giai đoạn phát triển kỹ năng của bé nhé!

Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) có 3 giai đoạn:

Cùng FamiEdu tìm hiểu về giai đoạn bốc nhón trong phần 2 “Phát triển kỹ năng”

Thời điểm bắt đầu vào giai đoạn bốc nhón

Đối với các bé tập ăn dặm BLW, khi vào giai đoạn bốc nhón bé sẽ mất 1-2 tháng đầu tiên bốc ăn dặm bằng cả bàn tay, sau đó khi có kĩ năng bé sẽ chuyển dần tập bốc nhón bằng 3 ngón tay (dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa), rồi cuối cùng bé sẽ bốc nhón bằng 2 ngón tay (dùng ngón cái và ngón trỏ). Sau khi bé sử dụng thành thạo được kĩ năng bốc nhón 2 ngón tay là bé hoàn thiện giai đoạn tập bốc nhón.

Dấu hiệu nhận biết khi bé bước vào giai đoạn bốc nhón

  • Bé có một số biểu hiện khác thường như: không chịu ngồi ăn ghế, đòi ra khỏi chỗ ngồi
  • Bé giảm dần số lượng ngón tay vào quá trình ăn
  • Lượng ăn của bé giảm dần, không chịu ăn, nhè thức ăn
  • Bé bóp, ném đồ ăn, nhưng sau đó lại cố gắng nhặt thức ăn

Thông thường giai đoạn bốc nhón ở trẻ sẽ trùng với thời gian của tuần khủng hoảng nên nếu bé nhà bạn có 3 trên 4 biểu hiện trên chứng tỏ bé đang bắt đầu học kĩ năng mới – kĩ năng bốc nhón.

Khoảng thời gian bé tập kĩ năng bốc nhón

Thời gian để bé tập kĩ năng bốc nhón khoảng 2 – 6 tuần, khi tập kĩ năng bé vẫn có thể vừa tập xúc thìa vừa tập bốc nhón. Mỗi bé lại có sự phát triển về kĩ năng khác nhau nên không thể chắc chắn dựa vào thời gian chính xác, bạn sẽ ước lượng khoảng 2 - 6 tuần hoặc hơn tùy theo từng bé.

Kĩ năng của bé trong giai đoạn này

Đôi tay: bốc nhón được hiểu là hành động bé sử dụng ngón trỏ và ngón cái để bốc thức ăn thay vì sử dụng nguyên bàn tay như trước. Ngón cái và ngón trỏ như một gòng kìm (hoặc càng cua) để “nhón” lấy đồ ăn.

Ban đầu lúc bắt đầu tập bốc nhón, bé sẽ không nắm được đồ ăn, thường xuyên làm rơi, khi quan sát bạn sẽ thấy bé hơi cáu kỉnh, khó chịu nhưng sau qua giai đoạn này bé sẽ trở nên vui vẻ. Khi bé tập được kĩ năng bốc nhón thành thạo, bé có thể cầm được hạt nhỏ như hạt gạo, hạt mè,…

Kĩ năng “chấm” cũng bắt đầu xuất hiện. Bé tỏ ra khá thích thú với việc “chấm” món này vào món khác (Bé sẽ bốc nhón thức ăn (món khô) chấm với một món lỏng, sệt). Ví dụ như chấm rau củ luộc với sốt,….

Khả năng xử lý thức ăn của bé

Để giúp bé hoàn thành tốt kĩ năng bốc nhón, bố mẹ hãy cố gắng chế biến các món ăn, rau củ luộc với đa dạng hình dáng: hình tròn, hình chữ nhật, que dài,… để giúp bé được cầm nắm đa dạng hình thù.

Ở giai đoạn này bé có thể nhai và nuốt được các thức ăn khó như thịt gà, thịt lợn, còn thịt bò thì vẫn cần thời gian tập thêm.

Bé cũng có khả năng cầm thức ăn bốc nhón được đưa vào miệng rồi cắn một lượng phù hợp để không còn bị ọe. Từ đó số lần ọe của bé giảm đi đáng kể. Đa phần khi các bé hết thời gian ọe sẽ chuyển sang giai đoạn sau giai đoạn tập thìa.

Hệ tiêu hóa của bé trong giai đoạn bốc nhón

Hệ tiêu hóa của bé cũng đã phát triển đáng kể. Dù khi kiểm tra phân bé, bạn vẫn sẽ thấy phân lổn nhổn và đầy màu sắc của thức ăn, nhưng dường như chúng đã không còn hiện tượng “ăn gì ra nấy” nữa mà đã nhỏ và nhuyễn hơn, hơi thành khuôn và có mùi hơn. Ở giai đoạn này có nhiều bé cũng đã không còn táo bón nữa.

Một số biểu hiện khác thường của bé trong giai đoạn này:

  • Bé quấy khóc không phải do ốm, mọc răng
  • Bé ngủ không tốt, giấc ngủ ngắn, đòi bú vặt
  • Quan sát thấy bé mệt mỏi
  • Nước tiểu có màu vàng sậm
  • Đồ thị phát triển của bé mất cân đối

Thời điểm này bố mẹ nên làm gì?

Đọc đúng dấu hiệu bé muốn chuyển sang giai đoạn bốc nhón để chế biến đồ ăn đúng hình dạng, kích thước.

Không sốt ruột, ép bé ăn khi bé biếng ăn hay vứt, ném đồ ăn. Đảm bảo lượng sữa cho bé khoảng 500ml/ ngày chuẩn bị cho bé bình ống hút, nếu muốn bạn có thể giới thiệu đĩa hoặc bát vào cuối thời kì này, khi bé đã bốc nhón thành thạo.

Thay vì cắt thức ăn thành miếng dài và to, bạn hãy cắt nhỏ và ngắn hơn và có nhiều hình dạng khác nhau để tiện bé bốc nhón.

Bạn hãy quan sát thật kĩ để biết hình dạng, kích thước món ăn như thế nào sẽ khiến bé thích thú và dễ bốc nhón. Thời gian này bạn cũng nên giới thiệu cho bé thêm món mới vì bé đang muốn được thử nghiệm nhiều hơn. Bạn nên tạo điều kiện cho bé thực hành các kiểu ăn khác nhau như “chấm” , hút ống hút, húp nước canh/súp.

Cùng tìm hiểu về giai đoạn tập thìa trong phần 2 “Phát triển kỹ năng”

Sau khi hoàn thiện kỹ năng bốc nhón, bé sẽ dần chuyển sang giai đoạn tập thìa

Thời điểm bắt đầu vào giai đoạn tập thìa

Khi bé được 9 tháng tuổi bạn có thể bắt đầu cho bé tập dùng thìa và nĩa để cho bé quen.

Dấu hiệu bé bắt đầu chuyển sang giai đoạn tập thìa

Bé bốc nhón thành thạo, nhai nuốt tốt, có thể xử lý được các loại thức ăn nhỏ như hạt đậu hà lan mà không gặp khó khăn.

Bé có thể chán ăn hoặc bước vào giai đoạn nhai nhả trong một khoảng thời gian ngắn độ 1 – 2 tuần hoặc có những biểu hiện chống đối như đòi ra khỏi ghế, hoặc có thể rơi vào tuần khủng hoảng.

Tập thìa là kĩ năng khó nhất trong 3 kĩ năng tay mà bé cần học, chính vì vậy thời gian tập luyện kĩ năng này khá dài và khó dự đoán được khi nào hoàn thành kĩ năng tập thìa. Có những bé biết xúc thìa lúc 11 tháng có những bé 13 tháng mới biết xúc thìa hoặc đôi lúc có bé 18 tháng mới xúc được gọn gàng.

Kĩ năng của bé trong giai đoạn tập thìa:

Đôi tay: Lúc đầu khi mới vào giai đoạn tập thìa, bé sẽ chỉ khám phá các dụng cụ mới bằng cách chơi với bát và thìa, sau đó một thời gian bé bắt chước người lớn cho thìa vào miệng, bé có thể biết cách cho thìa lên miệng trước khi biết xúc hoặc ngược lại.

Giai đoạn này bé biết dùng nĩa, ống hút và cầm cốc uống nước thành thạo, cầm bát đưa lên miệng húp. Ở giai đoạn này, lúc đầu chưa quen bé sẽ nghiêng ngả làm rơi thức ăn ra ngoài, sau khi bé cầm thìa vững thì có thể tự ăn và xúc thành thạo hơn.

Khả năng xử lý thức ăn của bé

Sau khi hoàn thiện kỹ năng bốc nhón, bé đã có thể xử lý được các thức ăn nhỏ rất tốt, tuy nhiên để đảm bảo an toàn nguy cơ ọe, hóc các loại thức ăn, hoa quả cần được xử lý hạt và cắt nhỏ.

Đối với các bé đã được tập ống hút từ 6- 9 tháng thì ở giai đoạn này bé sẽ hợp tác và tập rất nhanh. Ban đầu bé tập húp cơm, canh, bé sẽ húp nhiều nguy cơ bị sặc cao, sau đó vài lần cơ thể bé tự điều chỉnh và húp thức ăn rất chuyên nghiệp.

Hệ tiêu hóa của bé trong giai đoạn tập thìa:

Hệ tiêu hóa của bé càng ngày càng trở nên hoàn thiện, đến cuối giai đoạn này thì thức ăn chỉ còn là những mẩu li ti, thậm chí có thể tiêu hóa được gần hết trừ những thực phẩm nhiều chất xơ như bưởi , ngô, rau lá. Phân bé lúc này đã thành khuôn, có mùi rất nồng, nhuyễn mịn , chỉ còn hơi lợn cợn chút ít thức ăn.

Một số biểu hiện khác thường của bé trong giai đoạn này:

  • Bé quấy khóc không phải do ốm hay mọc răng hay bước vào giai đoạn tuần khủng hoảng ( wonder weeks )
  • Bé ngủ không tốt, thường hay bị rơi vào các giấc ngủ ngắn (catnap) hay đòi bú vặt nhưng chỉ bú được một chút lại nhả ra.
  • Bé mệt mỏi, lờ đờ
  • Nước tiểu của bé có màu vàng sậm, ít
  • Đồ thị phát triển của bé đi xuống hoặc mất cân đối (đánh giá phát triển thể chất sau 1 tuổi gồm hai yếu tố chiều cao, cân nặng trong đó yếu tố chiều cao phản ánh chính xác hơn, nếu cân nặng không tăng hoặc thụt lùi nhưng chiều cao vẫn phát triển theo đúng đường đồ thị thì bạn không cần lo lắng, nếu cả cân nặng và chiều cao đều không phát triển hoặc phát triển theo đường đồ thị bất thường hoặc chỉ số khối cơ thể BMI của bé dưới chuẩn trong một thời gian liên tục 3 tháng trở lên,bạn cần đến sự tư vấn của bác sĩ ) kéo theo đó là sự chậm phát triển về kĩ năng.

Lượng ăn của bé trong giai đoạn này.

Do giai đoạn tập thìa trải dài từ lúc bé được khoảng 9 tháng tuổi đến gần 2 tuổi. Nên hướng dẫn này được chia làm hai giai đoạn: 9-12 tháng và 12- 24 tháng. Dưới đây là hướng dẫn lượng ăn của trang babycenter.com (Trang web uy tín thế giới về bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em) trong một ngày. Đó chỉ là hướng dẫn tham khảo, con bạn mới là chỉ dẫn chính xác nhất

Đơn vị tính: bát ăn cơm có dung tích 240ml. Lượng ăn gợi ý trong một ngày

Giai đoạn bé từ 9- 12 tháng

  • ¼ - 1/3 bát cơm chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua)
  • ¼ -1/2 bát ăn cơm ngũ cốc (được bổ sung sắt)
  • ¼-1/2 bát ăn cơm trái cây
  • ¼ - ½ bát ăn cơm rau củ
  • 1/8 – ¼ bát ăn cơm thực phẩm chứa đạm
  • Tối thiểu 450ml sữa

Giai đoạn bé từ 12- 24 tháng

  • 85,04gr ngũ cốc , ưu tiên một nửa là ngũ cốc nguyên hạt = ½ bát cơm ngũ cốc ăn sáng , ¾ bát cơm mì ý hoặc cơm (đã nấu ) , 2-3 lát bánh mì
  • 1 bát cơm trái cây ( trái cây tươi , đông lạnh, đóng hộp / hoặc nước trái cây ) . Nhấn mạnh rằng trái cây ăn trực tiếp tốt hơn nước trái cây
  • 1 bát ăn cơm rau
  • 56,69 gr các sản phẩm chứa protein ( 2 lát thịt bằng cỡ bánh mì gối , 2/3 miếng lườn gà, ½ hộp cá ngừ , ½ bát cơm các loại hạt đã nấu chín hoặc 1 quả trứng )
  • Tối đa 480ml các chế phẩm từ sữa ( sữa hoặc sữa chua , 1 cup = 1,5 ounces = 42,5 gr phô mai tươi hoặc 2 ounces = 56,69gr phô mai đã chế biến).

Thời điểm này bố mẹ nên làm gì?

  • Hỗ trợ bé tập dùng thìa
  • Không sốt ruột, ép bé ăn khi bé ở giai đoạn nhai, nhả. Hãy tìm các phương án thay thế để nạp thêm dinh dưỡng cho bé nếu thấy thực sự cần thiết
  • Hỗ trợ bé tập ống hút và hỗ trợ bé tập tự hút bằng cách cho bé cầm từ vật chứa nhỏ đến vật chứa lớn.
  • Tập trung giữ vững kỉ luật bàn ăn cho bé. Một số bé sau 1 tuổi đã có thể hiểu được nguyên nhân – hệ quả và thường thử nghiệm cha mẹ của mình bằng cách “phá luật” . Nếu bạn không kiên quyết , trước sau như một , rất có thể bạn sẽ dung túng cho nhiều thói quen ăn uống không đẹp của bé lúc đó và sau này
  • Khi bé được khoảng 10 tháng, bé vẫn ăn sữa và BLW cùng một bữa, nhưng lúc này bé ăn BLW trước và uống sữa bù sau đó. Thậm chí, bạn hoàn toàn có thể cho bé ăn một bữa BLW hoàn chỉnh mà không cần bù sữa. Sau khi được 1 tuổi, bữa sữa và bữa ăn sẽ trở thành 2 bữa riêng biệt, lịch ăn của bé gần giống người lớn. Bé có thể uống sữa vào buổi sáng sau đó nếu vẫn còn đói, hãy để bé tự yêu cầu ăn thêm chút gì đó, nếu bé không đòi tức là chỉ uống sữa cũng đủ cho bé rồi.
  • Khi con tròn 1 tuổi, bạn cũng có thể bắt đầu tập cho bé uống sữa tươi nếu muốn.Với các bé bú mẹ,nên tiếp tục cho bé bú mẹ hoàn toàn, nếu điều kiện không cho phép, bạn vẫn có thể tiếp tục cho bé bú mẹ kết hợp với sữa tươi hoặc các chế phẩm từ sữa khác. Sau 1 tuổi, nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ không còn là sữa nữa mà là thức ăn, do đó, đừng để trẻ quá phụ thuộc vào sữa sinh ra biếng ăn hoặc quá no để có thể ăn thức ăn thô.
  • Giới thiệu bữa ăn với đầy đủ 4 nhóm : rau – quả - ngũ cốc – protein cho bé. Tuy nhiên, việc ăn món nào và ăn bao nhiêu vẫn do bé chọn lựa. Nếu như bé không thích ăn một nhóm thức ăn nào đó,bạn cũng đừng sốt ruột hay lo lắng sợ bé thiếu chất. Hãy nhớ rằng,dưới 1 tuổi nguồn dinh dưỡng dễ hấp thu và đầy đủ nhất dành cho trẻ chính là sữa, đặc biệt là sữa mẹ.
  • Cho bé đi khám định kỳ vào các mốc 9 – 12 -15-18 tháng để kiểm tra toàn thân, sự tăng trưởng và phát triển về thể chất và trí não. Nếu bé có các biểu hiện lâm sàng liên quan đến suy dinh dưỡng, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ và yêu cầu được xét nghiệm đầy đủ để có kết luận chính xác và cho con uống các loại thực phẩm bổ sung đúng cách

Các kịch bản thường xảy ra trong giai đoạn này

Trường hợp 1:

Các bé ăn ngoan, vồ vập lúc mới bắt đầu nhưng đến giai đoạn 8, 9 tháng tự nhiên không thích ăn nữa, ném, vứt, chỉ ăn sữa, ngồi trên ghế một lúc là đòi ra. Thường giai đoạn này trùng với tuần khủng hoảng.

Cách giải quyết: Bạn hãy đợi đến thời điểm bé được 9,5 tháng, nếu bé vẫn không chịu ăn, giảm lượng sữa xuống 450-500 ml/ngày, cho bé ăn một bữa BLW hoàn chỉnh vào buổi trưa và giãn cữ đến khi nào con đói đòi ăn thì mới cho ăn (không nhất thiết phải 4 tiếng/lần), không cho ăn quá nhiều bữa trong ngày và cắt ăn đêm. (Sữa được coi là thức ăn của trẻ, nên cứ khi nào bạn cho bé bú cũng tức là bạn cho bé ăn).

Trường hợp 2:

Các bé ăn từ 6 tháng nhưng hầu như không hợp tác, toàn ném, vứt, nhè thức ăn, chỉ bú sữa đến khi bé được khoảng 8 tháng hoặc 8,5 tháng thì bé tự động giảm lượng sữa trong ngày, bắt đầu chịu nuốt và ăn, ăn nhiều có khi làm cha mẹ choáng váng. Lí giải cho trường hợp này, sách Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy viết:

“Thật hoang đường khi người ta cho rằng sữa mẹ thay đổi khi bé khoảng 6 tháng tuổi và không còn đủ chất cho bé nữa. Thực tế, sữa mẹ của bé 6 tháng tuổi – hay thậm chí bé 2 tuổi – hầu như vẫn có giá trị dinh dưỡng như nhau; chỉ là do nhu cầu dinh dưỡng của bé đã thay đổi…

Các bé sinh ra với nguồn dinh dưỡng được tích lũy trong suốt quá trình nằm trong bụng mẹ. Nguồn dinh dưỡng dự trữ này được sử dụng ngay từ khi bé chào đời, nhưng lượng sữa bé bú được cũng đủ đảm bảo nguồn dinh dưỡng dự trữ này vẫn còn dồi dào.

Từ 6 tháng tuổi trở đi, sự cân bằng này thay đổi, nên bé dần dần cần nhiều dinh dưỡng hơn là nguồn dinh dưỡng do sữa mẹ hoặc sữa bột cung cấp. Cần nhận thấy rằng, khi 6 tháng tuổi, hầu hết các bé mới chỉ bắt đầu gia tăng chế độ ăn chỉ có sữa.

Ví dụ, hầu hết các bé sinh đủ ngày đủ tháng đều có lượng dự trữ đầy đủ chất sắt để bé phát triển mà không gây ra vấn đề gì- nguồn dự trữ này không cạn kiệt chỉ sau một đêm. Nhưng bé cần tập ăn thô khi khoảng 6 tháng tuổi, nhằm giúp bé phát triển các kỹ năng cần thiết để ăn các loại thức ăn khác nhau và làm quen với hương vị mới để chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm mà chúng thực sự bắt đầu phụ thuộc vào các thức ăn khác như nguồn cung cấp dinh dưỡng chính.”

Cách giải quyết: Bạn hãy duy trì sữa trong thời gian bé chưa chịu ăn, có thể kết hợp đút thìa nếu bị áp lực từ gia đình. Bạn có thể cho bé ăn bột ăn dặm hoặc cháo nghiền theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là một gợi ý. Nếu bé không chịu đút, chỉ sữa vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé. Sau thời điểm 9.5 tháng mà bé vẫn chưa chịu ăn, giảm sữa xuống 450 -500ml/ngày, cắt ăn đêm, khi nào bé đói thì đem thức ăn ra mời.

Nếu bạn kết hợp BLW với đút thìa mà sau khi bé được 9,5 tháng tuổi, bé chấp nhận đút thìa nhưng vẫn không chấp nhận ăn BLW thì khả năng bé đã chọn đút thìa không chọn BLW. Hãy đút cho con với tinh thần tôn trọng con và rèn kỉ luật bàn ăn cho con.

Bạn cũng đừng lo sợ con sẽ mãi ỷ lại vào người lớn để ăn, sẽ đến những thời điểm bé thích sự tự lập và sẽ chứng minh sự tự lập đó bằng cách tự ăn (bằng tay hoặc bằng thìa)

Trường hợp 3:

Các bé ăn và uống sữa theo đồ thị hình sin tức là có thể 2 tuần bé ăn tốt rồi 2 tuần lại chẳng ăn gì. Bạn hãy luôn giữ cho con có được nếp sinh hoạt ổn định, tôn trọng con, không cho ăn vặt, cho con cơ hội biết cảm nhận cảm giác no – đói. Sau khi con được 9,5 tháng tuổi, nếu lượng ăn của con vẫn còn quá ít so với lượng sữa và sự phát triển của con có vấn đề, hãy cắt ti đêm và giảm bớt lượng sữa xuống còn 500 ml/ngày.

Trường hợp 4:

Các bé luôn háu ăn từ lúc mới bắt đầu, chưa bao giờ có dấu hiệu chán ăn, cho gì bé cũng ăn, bao nhiêu cũng hết. Trường hợp này đòi hỏi sự bình tĩnh và sáng suốt của cha mẹ bởi nếu bạn quá “tham lam” thì có thể khiến bé bị rơi vào nhóm có nguy cơ “không biết cảm giác đói” hoặc “béo phì”.

Bởi vậy, cha mẹ hãy cho con cơ hội được biết cảm giác ăn cái gì ngon và ăn như thế nào là đủ chứ không phải cứ thấy con ăn được thì cứ cho con ăn hết cái này đến cái khác. Hãy đưa từng chút nhỏ đồ ăn cho con và đợi đến khi con đòi ăn tiếp mới bình tĩnh đưa thêm một chút nữa, nếu bạn cảm thấy con đã ăn đủ, hãy gợi ý cho con ra khỏi ghế ăn.

Hãy để FamiEdu đồng hành cùng mẹ mang hạnh phúc đến mọi bữa ăn của trẻ. Để được tư vấn, ba mẹ có thể nhắn tại đến page Ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ Trái tim để được các cô FamiEdu hỗ trợ, hoặc ba mẹ tham khảo các khóa học tại ĐÂY.

Chào mừng bạn đến với Cộng đồng ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ trái tim