Phô mai là một trong những thực phẩm được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên dùng để cung cấp đầy đủ nhu cầu canxi hàng ngày của trẻ nhỏ và người lớn, cải thiện chiều cao trẻ nhỏ và tránh loãng xương ở người lớn bởi hàm lượng canxi cao gấp 3-6 lần so với các sản phẩm khác từ sữa.

Phô mai không những là thực phẩm thơm ngon, và còn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn cho trẻ nhỏ. Hãy cùng Ăn dặm 3in1 khám phá những lợi ích bất ngờ của phô mai nhé !

Phô mai là gì ?

Phô mai là một trong những chế phẩm được làm từ sữa, là sản phẩm được làm bằng cách kết đông và lên men các sản phẩm sữa có thể là sữa bò, sữa dê, sữa cừu,… hoặc các loài thú khác. Sau khi kết đông phần rắn sẽ được tách ra và nén thành nhiều hình dạng khác nhau đó chính là phô mai.

Tùy vào từng nhà máy sản xuất khác nhau mà phô mai sẽ có những hương vị khác nhau. Khi sản xuất người ta có thể cho thêm các loại thảo mộc mộc, gia vị, tỏi hẹ, việt quất để tạo nên các mùi vị và màu sắc khác nhau cho phô mai.

Công dụng của phô mai đối với sức khỏe

Phô mai là món ăn bổ dưỡng đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, thường xuyên sử dụng phô mai còn giúp các bạn nhỏ phòng ngừa được sâu răng rất hiệu quả. Ngoài ra, phô mai còn chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng khác giúp trẻ phát triển toàn diện như : protein, chất béo, đạm, các loại vitamin, cụ thể như :

  • Giúp xương chắc khỏe

Phô mai là một trong những thực phẩm giàu canxi và vitamin B. Canxi là một trong những thành phần giúp hệ xương phát triển khỏe mạnh, cùng với đó thành phần vitamin B sẽ giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi tốt hơn.

  • Cung cấp hàm lượng protein tốt cho cơ thể

Phô mai là loại thực phẩm được xếp hạng giàu protein nhất. Protein là một trong những thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Protein cung cấp năng lượng và giúp cơ thể trẻ hình thành phát triển cơ, hệ xương chắc khỏe. Một lượng phô mai sẽ giúp cơ thể trẻ được cung cấp đầy đủ năng lượng cho các hoạt động thường ngày.

Đặc biệt, phô mai là thực phẩm không chứa đường nên khi cho trẻ sử dụng phô mai bố mẹ không cần lo lắng về vấn đề trẻ không dung nạp đường lactose có trong sữa.

  • Phô mai giàu chất béo tự nhiên

Trong 100g phô mai có chứa tới 23,5 g chất béo, hơn hết chất béo trong phô mai lại không ảnh hưởng quá nhiều tới cân nặng. Chất béo này giúp cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể, tốt cho hệ thần kinh, thúc đẩy chức năng tế bào phát triển và giúp vận chuyển các chất dễ tan trong dầu như vitamin A, E, D, K.

  • Giàu vitamin

Phô mai là thực phẩm giàu các vitamin nhóm B (B1, B12,..) đây là vitamin giúp cơ thể khỏe mạnh, và kích thích sự phát triển của tế bào da. Thêm vào đó, vitamin cũng hạn chế những căn bệnh phổ biến trên da của trẻ như ngứa và dị ứng.

Đặc biệt, phô mai chứa nhiều vitamin A, có tác dụng trong việc duy trì thị lực, giúp tăng cường sức khỏe của niêm mạc và giác mạc. Do vậy, rất tốt trong việc đảm bảo vấn đề thị lực của trẻ.

  • Ngoài ra, phô mai còn rất tốt cho răng lợi vì hàm lượng chất casein (một loại protein) kết hợp cùng phốt pho và canxi có trong phô mai có thể thay thế nhiều khoáng chất bị mất trong răng. Ngoài ra, một lượng nhỏ phô mai sau bữa ăn có tác dụng trung hòa axit trong miệng từ đó kích thích tiết nước bọt giúp giảm các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng của các bạn nhỏ.

Phô mai là một trong những thực phẩm dinh dưỡng tốt cho trẻ nhỏ

* Những lưu ý khi sử dụng phô mai cho trẻ nhỏ

  • Đề phòng dị ứng với đạm sữa bò

Mặc dù phô mai là thực phẩm giàu dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ nhỏ, tuy nhiên đối với các bạn nhỏ có triệu chứng dị ứng đạm động vật thì không ăn được. Bố mẹ có thể cho phô mai vào thực đơn ăn dặm cho trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi, tuy nhiên bố mẹ cần tuân thủ cho bé ăn dặm theo nguyên tắc 3 days wait để chờ và xem các phản ứng của cơ thể trẻ với phô mai.

Nếu thấy bất cứ hiện tượng lạ nào khi cho bé ăn phô mai thì cần tạm ngưng và tham khảo ý kiến từ các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.

  • Lượng ăn phô mai

Với các bạn nhỏ trên 1 tuổi, bố mẹ có thể cho bé ăn khoảng 60g phô mai mỗi ngày giúp cơ thể trẻ được bổ sung năng lượng và dinh dưỡng. Đối với các bé ở độ tuổi này nên sử dụng phô mai như một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, vẫn cho bé sử dụng sữa công thức hoặc sữa mẹ không nên dùng phô mai thay thế cho sữa.

Ăn phô mai quá nhiều thường sẽ khiến bé bị đầy bụng nên bố mẹ nên hạn chế việc cho bé ăn trước khi đi ngủ để tránh tình trạng con bị đầy bụng, khó tiêu, ngủ kém vào ban đêm.

  • Cách sử dụng phô mai

Phô mai có thể dùng để ăn trực tiếp hoặc chế biến, nấu cùng những đồ ăn khác. Khi nấu chung phô mai với bột, cháo của bé, bạn nên chọn những thực phẩm phù hợp với vị phô mai như khoai tây, cà rốt, thịt bò, gà, tôm. Không nên nấu chung với cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền.

Bố mẹ lưu ý, nếu nấu chung phô mai với bột/cháo của bé thì khi bột/cháo chín, mẹ nên tắt bếp, bắc xoong xuống, để nguội khoảng 80 độ C rồi mới cho một lượng phô mai phù hợp vào dầm tan hoặc ngoáy đều. Đây là cách tốt nhất để giữ cho phô mai không bị mất chất hoặc biến chất.

Phô mai có thể chế biến thành nhiều món ăn đồ ăn khác nhau cho trẻ nhỏ

Một số món ăn ngon bổ dưỡng được chế biến kết hợp cùng phô mai

Phô mai là thực phẩm dễ ăn và dễ kết hợp với các nguyên liệu khác, thông thường phô mai sẽ được ăn liền hoặc kết hợp nghiền cùng một số loại hoa quả, sinh tố, bánh, hoặc cháo,… Một số công thức chế biến món ăn từ phô mai dưới đây mà Ăn dặm 3in1 hy vọng sẽ giúp bố mẹ có thêm một số món ăn hấp dẫn cho bé yêu.

1. Súp khoai tây phô mai

Nguyên liệu :

  • 1 củ khoai tây
  • 1/4 củ hành tây
  • 1 túi sữa tươi không đường
  • Nước dùng gà
  • Phô mai
  • 1 thìa bột mì

Cách chế biến:

Bước 1: Gọt vỏ khoai tây, xắt hạt lựu, ngâm nước muối để không bị thâm khoai; hành tây bóc vỏ, xắt hạt lựu kích thước bằng khoai tây.

Bước 2: Đảo hành tây cho mềm và chuyển màu một chút thì cho khoai tây vào đảo đều, nêm nếm gia vị cho vừa miệng.

Bước 3: Đảo đều sau đó cho bột mì vào đảo cùng hỗn hợp trên. Cho nước dùng gà vào đun trên bếp với lửa vừa 10phút khi khoai đã hơi chín thì cho sữa tươi không đường vào và khuấy đều. Để lửa nhỏ và khuấy đều, tránh trường hợp bén cháy nồi. Khi khoai đã chín mềm, cho phô mai vào và khuấy 1 lần nữa.

2. Bánh khoai lang phô mai

Nguyên liệu :

  • 100g khoai lang hấp chín
  • 1lòng đỏ trứng
  • 1muỗng bột mì hữu cơ (hoặc bột yến mạch)
  • Phô mai cắt nhỏ

Cách chế biến :

Bước 1 : Khoai lang rửa sạch rồi đem hấp chín, khoai lang chín bạn dùng nĩa nghiền nhuyễn

Bước 2 : Thêm lòng đỏ trứng vào trộn đều, sau đó rây bột thật mịn vào bát rồi tiếp tục trộn đều, trộn tới khi thấy bột không dẻo và không dính tay là được.

Bước 3 : Chia đều bột rồi nặn bánh và cho phô mai vào giữa bánh rồi vo tròn, hoặc tạo hình tùy theo sở thích của từng mẹ.

Bước 4 : Dùng chảo chống chính với đế dày, bạn làm nóng chảo trên lửa nhỏ rồi quét một lớp mỏng dầu ăn cho bánh vào đậy nắp, bánh chín thì trở mặt lại.

Cứ chiên như vậy lần lượt vậy là chỉ mất khoảng 20 -25 phút bạn đã hoàn thành một bữa phụ đầy đủ dinh dưỡng cho bé nhà mình. Món bánh này bé từ 7 tháng tuổi mẹ có thể chế biến cho bé tập ăn dặm rồi nhé !

3. Tôm rim sốt phô mai :

Nguyên liệu:

  • 1/2 kg tôm
  • 1viên phô mai
  • Dầu hào
  • Đường
  • Tiêu, tỏi, hành tím

Cách chế biến:

Bước 1: Rửa sạch tôm, cắt bỏ râu tôm và đuôi.

Bước 2: Cho dầu vào chảo phi thơm hành tỏi rồi bỏ tôm vào, cho dầu hào, đường vào đảo đều.

Bước 3: Tôm thấm gia vị và chuyển màu cam đỏ đều thì cho phô mai vào.

Bước 4: Phô mai tan hết nêm lại vừa ăn, sau đó cho ít tiêu và vài cọng ngò lên trên để trang trí.

Để học thêm nhiều món ngon chế biến ăn dặm cho con, bố mẹ tham khảo tại kênh Đầu bếp Hoàng Cường, hoặc các khóa học của FamiEdu nhé.

Hãy để FamiEdu đồng hành cùng mẹ mang hạnh phúc đến mọi bữa ăn của trẻ. Để được tư vấn, ba mẹ có thể nhắn đến page Ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ Trái tim để được các cô FamiEdu hỗ trợ ngay nhé.

Chào mừng bạn đến với Cộng đồng ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ trái tim