Giai đoạn ăn dặm là giai đoạn rất quan trọng trong hành trình phát triển của bé. Những sai lầm trong giai đoạn ăn dặm này có thể ảnh hưởng không tốt tới việc ăn của bé kể cả khi bé lớn. Ba mẹ tham khảo bài chia sẻ về những sai lầm phổ biến khi cho bé ăn dặm theo chia sẻ từ mẹ Sunnie dưới đây nhé.
1. ÉP BÉ ĂN
Biếng ăn sinh lý có thể trở thành biếng ăn bệnh lý nếu bé bị ép ăn. Đa số những bé ăn nhuyễn quá lâu không đc tăng thô thích hợp đều biếng ăn và bị ép ăn khi bé đã quá ngán với cấu trúc xay nhuyễn, hoặc không cho bé ăn thức ăn phù hợp với kỹ năng nhai. Nhiều gia đình còn sử dụng roi, hay lời quát mắng để bé sợ và phải ăn. Lâu dần khiến bé có ác cảm với thức ăn, thay vì hưởng thụ bữa ăn thì bé cảm thấy bữa ăn là một nỗi kinh hoàng . Có một em bé từng nói rằng "ước gì không phải ăn nữa" sau quãng thời gian dài bị ép ăn. Bé có nỗi sợ mơ hồ cả với tiếng lách cách dọn bữa ăn của ba mẹ. Có thể bé sẽ ăn và tăng cân theo ý bạn muốn nhưng tâm lý của bé bị ảnh hưởng nặng nề.
Cách giải quyết: Nếu bé 12m vẫn còn ăn cháo xay nhuyễn thì mom nên tăng thô dần lên cháo hạt và cơm nát, thời gian đầu tăng thô có thể bé sẽ ọe, nhưng phải qua quá trình ọe rồi bé mới có phản xạ nhai nuốt. Nếu bé sợ thìa, không còn hợp tác với thìa thì mom nên thử qua phương pháp ăn dặm bé chỉ huy
2. NẾU ĂN SẼ ĐƯỢC THƯỞNG
"Nào ăn đi con, ăn xong mẹ dẫn đi công viên, ăn rồi ông dẫn đi mua đồ chơi " . Nếu những lời hứa hẹn này là thật , sẽ hình thành cho bé thói quen dùng bữa ăn để đòi hỏi những thứ mình muốn và hiểu sai rằng ăn là nghĩa vụ cho ba mẹ, không phải cho bé . Nếu nó là giả , nghĩa là ba mẹ nói dối bé, lâu dần bé sẽ mất niềm tin ở những lời hứa của ba mẹ. Và nguy hiểm hơn bé sẽ học ba mẹ nói dối theo
Cách giải quyết: Nếu bé khoảng 10 tháng tuổi trở lên biết thức ăn là no bụng, bé được cho thức ăn phù hợp kỹ năng nhai và độ thô thích hợp. Những câu mẹ nên nói với bé là: Nếu con không muốn ăn nữa thì mẹ dẹp đi nhé? và không cho bé ăn thêm gì khi rời khỏi ghế nếu bé ăn quá ít , có thể cắt luôn cữ sữa tiếp theo và tới cữ ăn tiếp theo cho ăn thức ăn lại. Nên dạy bé kỷ luật bàn ăn để bé được đói và biết quý trọng thức ăn, ăn đúng giờ. Có thể cho bé 1 cơ hội quay lại ghế nếu bé thực sự muốn ăn
3. ĐI ĂN RONG
Rất nhiều bé ăn mỗi bữa ăn mà mất tới 2h hoặc hơn, chị hàng xóm mình sau khi cho con ăn xong thì cũng tới giờ nấu bữa tiếp luôn, chưa kể thức ăn, cháo, mang ra ngoài dính phải rất nhiều bụi bẩn và càng ngàng càng nở ra rất ngán. Nhiều khi còn có 1 người làm trò người còn lại đút cho bé ăn, khi bé cười há miệng, hoặc cho bé xem tivi, máy tín, ipad bé sẽ vừa xem vừa há nuốt như robot.
Theo các bác sĩ, việc làm này sẽ khiến trẻ ăn trong vô thức , não bộ của trẻ cũng trì hoãn phát triển kỹ năng phân tích màu sắc, độ cứng, lỏng của món ăn . "Nó còn làm trẻ thay đổi hành vi xã hội, trở nên cáu gắt ương bướng và mất tập trung" - viện nhi khoa Hoa Kỳ nhận định.
Cách giải quyết: Một giải pháp cho bậc cha mẹ là áp dụng kỷ luật bàn ăn như ở trên. Điều này sẽ khiến việc chăm sóc con khó khăn hơn, vất vả hơn nhưng sẽ hình thành cho bé thói quen ăn tốt , sự tập trung ăn đúng giờ. Bữa ăn của bé mới tập ăn tối đa 40p , và 30p đối với bé ăn đút hoặc đã nhai nuốt thành thạo theo phương pháp BLW.
4. KHÔNG CHO BÉ ĂN DẦU MỠ.
Tuần trước mẹ Sun có người chị có cho bé đi khám bác sĩ Huyên Thảo vì thấy bé ăn không hấp thụ nhiều .Bác sĩ hỏi về chế độ ăn uống của Bé, Bác sĩ nói chế độ ăn uống của con ổn, chỉ dặn thêm các món chiên xào cho Con, còn mọi thứ ở con phát triển rất tốt. Đây là một phần trong sự SỢ con ăn nhiều dầu mỡ quá bị hấp thu Cholesterol của các mẹ bỉm. Bác sĩ bảo Cỗ máy của người lớn mình hoạt động lâu rồi nên bị dư thừa và cần bảo dưỡng. Còn của các Con cứ tăng lên vừa phải, chứ đừng để ít quá dễ dẫn đến thiếu chất.
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, chất béo bao gồm dầu, mỡ thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính và có vai trò cần thiết với cơ thể, là nguồn sinh năng lượng quan trọng. Đặc biệt, chất béo giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực của trẻ. Dầu - mỡ là dung môi để hòa tan các loại vitamin. cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin A, D, E, K... cần có dầu - mỡ.
Với trẻ em dầu - mỡ là nguồn cung cấp năng lượng chính, vì số lượng thức ăn trẻ ăn ít, mà nhu cầu năng lượng cao nên trẻ phải ăn nhiều dầu - mỡ hơn người lớn
Ăn thiếu chất béo là một trong những nguyên nhân bé chậm tăng cân do thiếu năng lượng. Mặt khác, chế độ ăn thiếu dầu - mỡ trẻ không hấp thu được các loại vitamin A, D, K, E... dẫn đến còi xương, chậm lớn, suy giảm miễn dịch hay ốm đau.
Trong những năm đầu đời, trẻ phát triển và tăng trưởng nhanh cả về thể chất và tinh thần. Các thiếu hụt về chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức phận nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ quan thần kinh. Do vậy, với trẻ em, khẩu phần ăn cần đảm bảo đủ chất béo.
Dầu, mỡ sử dụng cho chiên, rán còn thừa tốt nhất là nên bỏ đi, bởi vì sau khi qua nhiệt độ cao trong thời gian dài, các vitamin có trong dầu sẽ bị phá huỷ, làm dầu ăn giảm chất dinh dưỡng. Mặt khác, dưới tác động của nhiệt độ cao (trên 180oC), các chất trong dầu sẽ gây ra phản ứng phân giải hoặc tổng hợp và sản sinh các chất an-đê-hít, axít béo tự do… là những chất rất có hại cho cơ thể.
Trong quá trình sử dụng, nên để dầu ăn ở những nơi thoáng mát, khô ráo, không để ở nơi quá nóng, tránh ánh sáng và đậy kín chai sau mỗi lần sử dụng.
Khi chọn lựa các loại dầu dùng cho trẻ, chúng ta nên tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tránh tình trạng mua nhầm những loại dầu kém chất lượng, được sản xuất trôi nổi trên thị trường
Số lượng dầu mỡ cho trẻ trong 1 ngày bao nhiêu là đủ?
Với trẻ mới bắt đầu ăn dặm - 6 tháng tuổi: mỗi bữa ăn từ 1/2 thìa đến 1 thìa cà phê (2,5 - 5ml).
Trẻ từ 1 - 2 tuổi: mỗi bữa 7 - 10ml (1,5 - 2 thìa ).
Từ trên 2 tuổi: mỗi bữa ăn 10ml (2 thìa).
Khi cho trẻ dùng bất cứ loại dầu ăn nào cũng cần ăn từ ít rồi tăng dần để xem có thích hợp hay không, trẻ có muốn ăn hay không. Khi trẻ bị tiêu chảy cần giảm lượng dầu mỡ trong các bữa ăn để giảm tiêu chảy.
Lưu ý với những thức ăn nhanh như khoai tây chiên hay gà chiên thỉnh thoảng cho ăn, không nên cho ăn hàng ngày vì món này chứa nhiều năng lượng , ăn quá nhiều sẽ dễ dẫn tới béo phì.
5. CHO BÉ ĂN QUÁ NHIỀU TRÁI CÂY NGỌT VÀ NUÔNG CHIỀU SỞ THÍCH ĂN TRÁI CÂY CỦA BÉ.
Bé nào cũng thích vị ngọt, và trái cây thường rất dễ ăn. Các mom thường cho bé ăn trái cây sau bữa ăn nên nhiều bé có thói quen không ăn cơm chờ đc ăn trái cây. Và chỉ ăn mỗi trái cây có vị ngọt, ăn nhiều trái cây vị ngọt lâu dần sẽ hình thành khẩu vị thích ngọt. Về sau bé hảo ngọt, dung nạp nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe của bé.
Cách giải quyết: có thể tách trái cây ra làm bữa xế riêng, ăn cùng váng sữa hay sữa chua, nên cho bé ăn đa dạng trái cây. Hoặc có thể đưa trái cây ra sau, sau khi bé đã hoàn thành tốt bữa ăn, nhưng không nên nhiều quá, bé khó hấp thu hết
6. LẠM DỤNG THUỐC BỔ
Mẹ Sun gặp nhiều câu hỏi của các mom như "em thấy bé em thiếu chất hay sao á mom, em mua canxi hay sắt bổ sung thêm cho bé được không?". Các câu hỏi đều ở mức hình như không chắc chắn vì chưa đi xét nghiệm cho bé chỉ là dự đoán của mẹ, rồi lỡ gặp vài người bán không có tâm, cho các bé uống dư sắt hay canxi đều rất nguy hiểm, em không phải là bác sĩ nên em ko bán các loại thuốc.
Theo Bsi Nhi Khoa MD Trần Công : "Cách đây mấy tháng tôi có 1 em bé 6 tuổi, có vết sẹo to tướng ở bụng, hỏi ra thì ba mẹ bé nói cách đây 1-2 năm vì thấy bé biếng ăn chậm lớn nên cho uống rất nhiều thuốc bổ, uống nhiều canxi, sau đó 1 thời gian bé bị đau bụng, đi siêu âm có cục sỏi to bằng ngón tay ở 2 thận nên phải mổ, và mang vết sẹo này suốt đời. Thật khó tin là trẻ nhỏ vậy có thể bị sỏi thận to như thế, các bsi cũng không tìm ra được bất kì bệnh lí nào liên quan đến chuyển hóa canxi- phosphate, tôi thì lại nghĩ có khi uống dư canxi quá nhiều. Thực tế là gần như trăm phần trăm các phụ huynh có con nhỏ đều thủ trong nhà ít nhất 1 loại thuốc bổ, kích thích ăn, hay men vi sinh….., hơn nữa việc lạm dụng thuốc bổ dài ngày có thể dẫn tới tình trạng thừa chất nguy hiểm không kém thiếu chất, khi ngưng thuốc bổ thì trẻ lại biếng ăn. Chỉ dùng thuốc bổ theo hướng dẫn của bác sĩ khi cần mà thôi." Vì vậy nếu muốn bổ sung chất gì cho con, hay nghi ngờ bé thiếu chất gì mom hãy cho bé đi xét nghiệm, thiếu gì bao nhiêu để bổ sung hợp lý
7. PHÓ MẶC VIỆC ĂN UỐNG CỦA CON CHO ÔNG BÀ, BẢO MẪU
Có nhiều ba mẹ rất bận rộn, nhưng việc hình thành thói quen ăn uống của bé cũng rất quan trọng. Ông bà đều có quan niệm kiểu ngày xưa, có nhiều ông bà đã cho bé ăn từ lúc 2-3 tháng, ăn dặm quá sớm sẽ khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, dạ dày không làm việc tốt, bé không hấp thu được.
Mẹ Sun đã từng thấy 1 bức hình bé 20m mà người bé xíu, người còi cọc hỏi ra thì biết do mẹ cho ăn quá sớm , ăn mỗi bữa cả tô cháo mà bé không thể hấp thu nổi. Và ông bà thường chiều cháu và hay cho ăn vặt sẽ hình thành thói quen ăn uống xấu cho bé
Cách giải quyết: Với phương pháp BLW sẽ rất khó khăn, mom cố gắng cho ông bà xem nhiều video, đọc nhiều sách, nói về lợi ích có được và video xử lý hóc ọe nữa thì càng tốt. Ọe trong ăn dặm BLW cũng như sặc khi ăn cháo, nếu mom nắm vững pp, cắt thực phẩm phù hợp kỹ năng, cho bé ăn đúng cách thì nguy cơ hóc rất hiếm khi xảy ra, hoặc mới tập ăn mom cho bé ăn bữa tối kết hợp.
Nếu không thay đổi đc ông bà , thì cố gắng đừng nghe lời dèm pha (nếu mom nào đã từng đọc bài hành trình ăn dặm của mẹ con Sunnie thì hiểu rằng để đạt đc thành quả như hôm nay, mẹ con Sun cũng trải qua nhiều sóng gió hihi), bơ đi là cách tốt nhất. Sau khi luyện thành tài ông bà đi khen khắp xóm ấy chứ =)) Bảo mẫu có trách nhiệm rất ít vì vây mom nên theo sát camera nếu để bé ăn cùng bảo mẫu, để không có những trường hợp đáng tiếc như bé bị sặc vì đút quá nhanh, hay sợ ăn vì bị ép đút....
8. XEM CÂN NẶNG CON LÀ TẤT CẢ VÀ HAY SO SÁNH
Chúng ta không phải nhà sản xuất robot đồng loạt cùng size, cùng sự phát triển. Vì vậy đừng bắt bé phải to bằng bé hàng xóm hay ăn nhiều bằng. Mỗi bé là những cá thể khác nhau, cũng sẽ ăn lượng khác nhau. Chỉ cần bé khỏe mạnh, vui vẻ khi tới bữa ăn là rất tốt rồi, hãy dùng biểu đồ tăng trưởng theo dõi chiều cao cân nặng của bé chỉ cần bé nằm trong vùng bình thường là ổn.
9. PHÂN LOẠI SAI NHÓM THỰC PHẨM
Sai lầm phổ biến là coi các loại khoai (khoai lang, khoai sọ), bí là thuộc nhóm rau. Nên nhớ khoai, bí thuộc nhóm bột đường cũng giống như là bột gạo vậy thôi , cho nên không nên nấu cháo với khoai, bí rồi không cho rau làm như vậy thì vô tình dẫn tới mất cân bằng trong khẩu phần (quá nhiều chất bột đường, ít chất rau). Tương tự các loại hạt đậu thuộc về nhóm đạm (thịt, cá , trứng, sữa, đậu nành...) chứ không phải thuộc nhóm bột đường.
Bốn nhóm thực phẩm chính: (cụ thể những món nào mom search gu gồ nhé, em có thêm hình minh họa bên dưới)- Nhóm chất bột đường.- Nhóm chất đạm.- Nhóm chất béo.- Nhóm cung Vitamin và khoáng chất.
Trong đó có 3 nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng (được tính bằng Kilocalo, viết tắt Kcal) cho mọi hoạt động sống của con người gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo được ví như “xe chạy phải cần xăng” và nhóm thứ 4 không cung cấp năng lượng nhưng vô cùng quan trọng, khi thiếu sẽ gây những hậu quả xấu cho sức khỏe đó là các vitamin và khoáng chất, ví như “xe muốn chạy tốt còn cần có nhớt”.
Thực tế, mỗi loại thực phẩm trong tự nhiên thường chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng với tỷ lệ nhiều ít khác nhau. Việc chọn lựa phối hợp thực phẩm một cách khoa học sẽ giúp cung cấp đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
10. QUÁ ƯU TIÊN NHÓM CHẤT ĐẠM
Chị Hà, mẹ bé Tun (Đào Tấn, Hà Nội) cho biết, cậu con trai gần 4 tuổi của chị ăn ít cơm nhưng tiêu thụ khá nhiều thức ăn. Chị rất chú trọng đầu tư vào bữa ăn cho con, chế biến đủ thực phẩm bổ dưỡng. Thi thoảng, chị đưa con đi ăn nhà hàng và bé đặc biệt thích đồ hải sản, có thể ăn một lúc hết gần một kg tôm hay hai con cua bể to... Dù vậy, suốt gần nửa năm nay cân nặng của bé vẫn giữ nguyên ở mức 15 kg. "Không hiểu con ăn nhiều vậy mà các chất bổ đi đâu hết. Bác sĩ nói có thể vì cháu ăn nhiều đạm không tiêu hóa, hấp thu hết được", người mẹ chia sẻ. Chị cũng nói rằng thằng bé hay bị táo bón, gia đình cứ tưởng cháu nóng trong nên khó béo.
Chị Tâm ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cũng cùng tâm trạng như chị Hà. Nhà bán hàng cơm, đồ ăn nào ngon nhất, chị để dành cho con. Mỗi bữa, cậu con trai 3 tuổi ăn được một bát cơm đầy, lưng bát thức ăn (có thể là thịt, cá, tôm, cua...) và nửa bát canh. Song bé vẫn thuộc diện còi, thi thoảng bị tiêu chảy mặc dù mẹ đã tráng bát thìa rất cẩn thận bằng nước nóng.
Đưa con đi khám bác sĩ, chị cũng được bác sĩ tư vấn là nên điều chỉnh chế độ ăn của bé vì có thể cháu ăn nhiều chất đạm quá nên rối loạn tiêu hóa.
Theo thạc sĩ, bác sĩ nhi khoa Vũ Thị Thúy Lan, Phòng khám Cây Thông Xanh (trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng), đây là hai trường hợp điển hình của các bà mẹ quá chăm chút, cho con ăn nhiều đạm. Bác sĩ cho biết, rất nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ hiện nay cho rằng con ăn ít nên tăng cường thịt cá để đủ chất. Đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Nhiều người chỉ cho rằng ăn nhiều đạm sẽ béo phì. Đó chỉ là bề nổi của một tảng băng. Ăn nhiều đạm động vật có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi cơ thể bị nạp quá nhiều đạm, áp lực lọc cầu thận bị tăng cao, gây mất nước, toan chuyển hóa. Lúc này, cơ thể phải huy động canxi từ xương để tạo thành phốt-phát can-xi, nhằm kiềm hóa và duy trì độ pH được duy trì ở mức ổn định. Vì canxi bị lấy từ xương nhiều, có thể dẫn đến xốp xương, loãng xương. Đồng thời khi canxi được lấy để cân bằng độ toan kiềm trong máu, chúng sẽ được đào thải qua thận. Quá trình này kéo dài dẫn tới việc lắng đọng, gây sỏi thận.
Số liệu phân tích của bộ phận dinh dưỡng phòng khám Cây Thông Xanh cho thấy, ở nhóm trẻ 6 tháng đến 5 tuổi, có tới 91% các bà mẹ hiện cho trẻ ăn đạm cao hơn so với nhu cầu cơ thể, chủ yếu ở nhóm dưới 3 tuổi. Trung bình tỷ lệ protein trẻ nạp vào hằng ngày qua đường ăn uống ở nhóm trẻ đến khám là 260% so với nhu cầu cơ thể có thể dung nạp, nghĩa là cao hơn 2,6 lần so với khả năng hệ tiêu hóa và thận của trẻ có thể hấp thu. Cá biệt, có trẻ được mẹ cho ăn đạm gấp 4 lần so với khả năng có thể hấp thu.
Làm thế nào để biết trẻ ăn đủ đạm? Theo khuyến cáo của Tổ chức kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, trẻ 1-3 tuổi cần 13 g và trẻ 4-8 tuổi cần 19 g đạm mỗi ngày. Ví dụ, trong 100 g thịt lợn nạc chứa 18 g đạm; 100 g đậu xanh chứa 20 g đạm; 100 g đậu nành chứa 35-40 g đạm; trong 100 g sữa bột trẻ em có 10-26 g đạm.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, tỷ lệ cân đối giữa đạm động vật (từ động vật và sản phẩm của động vật như trứng, sữa, phô mai) và đạm thực vật (từ rau, củ, quả, hạt) trẻ em cần thu nạp hằng ngày là 70/30. Có nghĩa trẻ em nên ăn 70% đạm từ động vật và 30% từ thực vật.
Như vậy, mỗi bữa mẹ chỉ cần nấu cho trẻ dưới 3 tuổi 20-30 g thịt, cá, tôm là đáp ứng được 70-80% lượng đạm từ động vật. Số đạm còn lại lấy từ thực vật: đậu đỗ, đậu phụ, rau lá có màu xanh đậm, sữa đậu nành và không cần phải cho uống thêm sữa bột công thức. "Để bổ sung đạm thực vật và vi chất cho con, cha mẹ cần tăng cường cho trẻ ăn rau xanh, trái cây sạch. Con lớn không chỉ nhờ đạm mà còn từ các vi chất tích lũy hàng ngày", bác sĩ nói.
11. CHO BÉ UỐNG QUÁ NHIỀU SỮA
Có một nguyên tắc chung là cái gì thái quá đều không tốt. Nhiều mẹ cứ ép con uống sữa mà coi nhẹ việc ăn là điều hết sức sai lầm. Nếu chỉ uống sữa không, dù là sữa tươi hay sữa công thức, bé sẽ không có đủ dinh dưỡng, và dinh dưỡng cũng không cân đối, dư thừa chất này và thiết hụt chất kia. Ví dụ các vitamin và khoáng chất không đáp ứng đủ nhu cầu của bé khiến bé có thể bị táo bón. Uống sữa nhiều cũng khiến bé lười nhai, lười ăn. Nhiều mom thấy bé thích sữa ko muốn ăn, nhất là những bé trên 1 tuổi, thì cố gắng cho bé uống càng nhiều sữa càng tốt để bổ sung dinh dưỡng từ thức ăn. Nhưng sẽ càng làm bé chán ăn, thiếu hụt dinh dưỡng từ thức ăn
Bé từ 6-12m cần khoảng 700-950ml sữa. Bé 1-2 tuổi chỉ cần 400-500ml sữa một ngày là đủ, còn lại bé cần dinh dưỡng từ các nguồn thức ăn đa dạng khác.
12. ĂN DẶM QUÁ SỚM
Ăn thô không hại dạ dày nhưng ăn sớm thì có. Nhiều người nghĩ rằng trẻ nên bắt đầu được ăn dặm thêm các thức ăn ngoài sữa vào khoảng 3 tháng tuổi , thậm chí sớm hơn – từ 4 tháng. Rất thường xuyên tôi được hỏi rằng đợi đến 6 tháng mới ăn dặm thì con có bị thiếu chất không?
Tổ chức y tế thế giới WHO đã đưa ra khuyến nghị về độ tuổi cho trẻ bắt đầu ăn dặm là khoảng 6 tháng tuổi, trong 6 tháng đầu tiên bé chỉ cần bú sữa hoàn toàn để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, và cho đến 1 tuổi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cung cấp năng lượng và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
6 tháng đầu khi bé mới sinh ra, hệ tiêu hóa vẫn chưa thực sự hoàn thiện, sữa là thực phẩm phù hợp nhất đối với hệ tiêu hóa của bé vì sữa tiêu hóa trực tiếp ở ruột mà không cần thêm men tiêu hóa trong cơ thể bé tiết ra, bé chỉ cần ăn và ruột sẽ làm những việc còn lại.
Mãi tới khi bé được 6 tháng tuổi thì hệ tiêu hóa của bé bao gồm dạ dày, gan, tụy, mật... và tuyến nước bọt mới thực sự hoàn thiện để sẵn sàng xử lý các loại thức ăn đặc, rắn ngoài sữa. Dù bạn sẽ cho con ăn dặm theo cách nào, dù món ăn đầu tiên bạn giới thiệu cho bé chỉ là một chút bột quấy, một tẹo nước cháo loãng hay là nguyên một phần rau củ quả cắt miếng... thì xin hãy đợi đến khi con được 6 tháng tuổi, để cơ thể bé hoàn toàn sẵn sàng cho việc tiêu hóa thức ăn. Ăn uống là một sự hưởng thụ, không phải là một cuộc chạy đua!
Cho bé ăn thức ăn dặm sớm hơn 6 tháng không tốt cho bé bởi:
Thức ăn dặm không có nhiều chất dinh dưỡng và calo như sữa mẹ hay sữa bột. Dạ dày của các bé còn rất nhỏ nên bé cần nguồn dinh dưỡng và năng lượng tập trung, dễ tiêu hoá để phát triển khoẻ mạnh, chỉ có sữa mẹ hoặc sữa bột có thể cung cấp đủ các dưỡng chất này
Khi bé ăn dặm quá sớm , do hệ tiêu hoá của bé chưa thể xử lý được hết những dưỡng chất có trong thức ăn dặm, nên nó sẽ bỏ qua chứ không hấp thụ được các chất này để nuôi dưỡng bé.
Nếu cho bé ăn dặm quá sớm, do hệ tiêu hóa chưa tiêu hóa được thức ăn sẽ khiến bé luôn trong cảm giác no, sự ngon miệng của bé đối với sữa sẽ giảm xuống, nên bé sẽ thích các thức ăn này hơn dù chúng ít dưỡng chất hơn thậm chí do lạ miệng bé sẽ ham ăn dặm mà bỏ sữa
Những bé được cho ăn thô sớm dễ bị nhiễm khuẩn hơn và có nhiều nguy cơ bị các bệnh dị ứng hơn những bé được ăn sữa hoàn toàn đến 6 tháng, bởi hệ miễn dịch của các bé này còn rất non nớt chưa hoàn thiện
Theo nghiên cứu, cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi cũng là 1 nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị các bệnh tật về tim sau này, ví dụ như bệnh cao huyết áp.
Dù bạn cho bé ăn dặm theo phương pháp nào thì hãy chờ đợi bé được ít nhất 5 tháng tuổi (đối với ăn dặm kiểu nhật) để cơ thể bé hoàn toàn sẵn sàng cho việc tiêu hóa một loại thực phẩm khác ngoài sữa (Theo Sách ăn dặm không phải là cuộc chiến)
13. CHO BÉ ĂN DẶM TỰ CHỈ HUY KHI BÉ CHƯA BIẾT NGỒI
Ăn dặm tự chỉ huy khi ít nhất bé đủ 6 tháng tuổi (Nhiều bé mới 4m mẹ đã cho ăn, gọi là ăn thử cho biết cầm nắm, nhưng vẫn không nên. Mom nên đọc lại phần 12)
Khi bé đã đủ 6 tháng tuổi nhưng chưa ngồi đc 80% và cổ điều khiển qua lại tốt thì vẫn nên chờ bé thêm 1-2 tuần nữa.
- Có những bé ngồi bị đổ gục về trước nên phải dùng tay chống lại, như vậy thì bé rất khó để đưa thức ăn lên miệng tốt, và bé sẽ thiếu hợp tác hay kiên nhẫn với thức ăn hơn
- Có những bé cổ điều khiển không tốt hay bị ngửa ra sau, những bé này nếu cho ăn sẽ rất nguy hiểm vì khi bé ngửa cổ thức ăn có thể chui tọt vào họng gây hóc hay nghẹn
Vì vậy các mom nên kiên trì chờ bé đủ tiêu chuẩn hãy cho ăn, không nên vội vàng nhé
Bài viết do Sunnie mom tự biên soạn từ kinh nghiệm thực tế, kèm vài tài liệu uy tín. Hy vọng sẽ giúp cho hành trình ăn dặm của các bé thuận lợi hơn. Chúc các mom thành công.
Hãy để FamiEdu đồng hành cùng mẹ mang hạnh phúc đến mọi bữa ăn của trẻ. Để được tư vấn, ba mẹ có thể nhắn tại đến page Ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ Trái tim để được các cô FamiEdu hỗ trợ, hoặc ba mẹ tham khảo các khóa học tại ĐÂY.