Trong ăn dặm BLW, trẻ bước vào giai đoạn hoàn thiện kĩ năng vào khoảng từ 9 tháng, muộn nhất là 15 tháng tuổi. Trong giai đoạn trước bé đã phát triển và học được rất nhiều kĩ năng khác nhau, ở giai đoạn này bé bắt đầu hoàn thiện kĩ năng và cũng xuất hiện một số hiểu hiện, hành vi khác nhau ở trẻ.

Cùng FamiEdu điểm qua một số hành vi của trẻ giai đoạn hoàn thiện kĩ năng trong BLW trong bài viết sau nhé.

1, Trẻ thích tập sử dụng đũa

Khi bé đã sử dụng thìa thành thạo, thì bé cũng muốn được tập dùng đũa, giống như bố mẹ. Bạn cũng không cần phải sắm riêng cho bé một đôi đũa đặc biệt, vì sự thực là nhiều bé chỉ thích dùng đũa giống như của ba mẹ. Trong số các loại đũa thì đũa gỗ với đầu tròn, dài, hơi to một chút và có đầu gắp và đầu cầm đũa giống hệt nhau là sự lựa chọn tốt nhất cho bé luyện tập.

Các món ăn dễ dàng cho bé luyện tập khi mới bắt đầu là các loại có dạng sợi dài như mỳ, bún, phở, rau lá. Ban đầu bé sẽ chỉ biết cầm cả 2 chiếc đũa múc sợi mỳ hoặc sợi rau lên thôi, sau đó dần dần bé sẽ khéo léo hơn biết cách điều khiển tay để hai chiếc đũa có thể mở ra và gắp thức ăn vào giữa. Khi bé đã gắp thành thạo những món dài thì bạn có thể thử cho bé gắp các món có hình dạng khác hơn như gắp các loại củ hoặc cơm viên. Lưu ý: ban đầu hãy cho bé các món có độ thô cố định, các món trơn rất khó gắp và có thể khiến bé bực bội.

Cũng giống như tập xúc thìa, bạn không cần can thiệp quá nhiều vào việc luyện tập của bé và phải chấp nhận thời gian đầu bé ăn sẽ khá bẩn và vương vãi.

Sai lầm của cha mẹ trong thời gian bé tập dùng đũa là thường xuyên thấy việc tập luyện quá bẩn nên không cho bé tập dùng đũa nữa, bé chống đối bằng cách không thèm dùng cả thìa. Một sai lầm nữa là cha mẹ thấy bé loay hoay nên sốt ruột trợ giúp hoặc điều khiển con khá nhiều khiến bé bị bối rối hoặc bực bội. Vì bé đã tập thìa tốt rồi nên bé hoàn toàn có thể tự ăn được mà không cần sự trợ giúp của ai cả, do đó bạn hãy thoải mái và kiên nhẫn khi bé tập dùng đũa nhé.

2, Bắt mẹ đút

Vào khoảng 18 tháng trở đi, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 hoặc 2,5 hoặc 3 tuổi, sẽ có thời điểm bé không chịu dùng thìa mà đòi người lớn phải đút cho ăn. Hành vi này không phải là vì kĩ năng của bé thụt lùi hay bé tự nhiên hư, đơn giản nó là một giai đoạn phát triển về nhận thức của bé.

Bé bắt mẹ đút vì các nguyên nhâu sau :

  • Bé hiểu rõ hơn về các nguyên nhân – hệ quả, bé muốn được mẹ yêu chiều
  • Bé mải chơi, muốn mẹ xúc cho nhanh
  • Nhu cầu ăn của bé thấp
  • Cách xử lý đối với hành vi này của bé

Cho bé cơ hội đói. Khi đói thì bé sẽ tự giác ăn hơn. Nếu bé đòi bạn xúc ngay từ đầu, hãy đừng nhận lời xúc cho con vội, yêu cầu con tự xúc trước trong khoảng 5 – 10 phút, bé đói và nếu chờ mãi mà mẹ không xúc thì sẽ phải tự thân vận động để thỏa mãn dạ dày của mình thôi.

Khi bé tự xúc ăn, hãy đừng ngần ngại mà hào phóng khen tặng bé. Bé sẽ vui đấy.

Nếu bé ăn được lưng lửng rồi, bé vẫn muốn ăn nữa nhưng lại đòi mẹ xúc. Bạn hãy hỗ trợ bé, tuy nhiên trước khi hỗ trợ hãy khen bé rằng bé thật người lớn, thật ngoan khi đã tự xúc ăn. Trong lúc xúc cho bé, hãy dần dần giảm hỗ trợ của mình, ban đầu là xúc thìa tận miệng cho bé, sau đó hãy chỉ xúc thức ăn vào thìa và cầm lên, để trước mặt bé và khuyến khích bé cầm tay mẹ để đưa thìa lên miệng. Cuối cùng là chỉ xúc thức ăn vào bát và để ra trước mặt bé khuyến khích bé tự cầm thìa lên ăn và khen bé sau khi bé đã nghe lời.

Bạn có thể sẽ chấp nhận bé ăn ít hơn so với sức ăn bình thường của bé, và nếu không sốt ruột vì điều đó mà nhân nhượng xúc cho con với mong muốn bé sẽ nhanh chóng hiểu thông điệp của bạn và tự ăn.

Hãy kiên trì và nhẫn nại, giai đoạn này sẽ qua nhanh thôi nếu bạn không để bé ỷ lại vào mình xúc cho bé từ đầu bữa đến cuối bữa thì sau đó bé sẽ lại tự xúc ăn mà không cần nhờ đến mẹ.

3, Đổ ụp thức ăn hoặc đổ từ bát nọ sang bát kia

Giai đoạn này thường xuất hiện khi bé học kĩ năng vận động là “rót”, bé thích rót nước, thích đổ canh và đồ ăn từ bát nọ sang bát kia hay từ bát ra một vật chứa to hơn hoặc nhỏ hơn.

Cách khắc phục hành vi này của bé:

Bạn hãy cho bé tập kĩ năng này trong các giờ chơi của mình với các trò rót nước ,rót gạo chuyển vật khéo léo...

Thực hiện kỉ luật bàn ăn :

Không cổ vũ, không cười hay quát mắng bé khi đổ thức ăn

Cho một ít một thức ăn vào bát của bé, không để nhiều thức ăn cùng một lúc, chỉ để một chiếc bát hoặc khay ăn lên bàn cho bé

Hãy nhấn mạnh cho bé hiểu giờ ăn là giờ để ăn không phải là giờ để nghịch thức ăn. Thực hiện quy tắc “cơ hội 3 lần” đã được hướng dẫn

4, Ăn không tập trung

Bé sẽ có hành vi ăn không tập trung bắt đầu từ 15 tháng tuổi. Thông thường, giai đoạn này sẽ diễn ra vài ngày nếu mẹ giữ kỉ luật trong bữa ăn, nếu mẹ không nhất quán, thì nó sẽ kéo dài vài tuần , vài tháng hoặc thậm chí làm mất luôn kĩ năng ăn ngoan đã được rèn luyện.

Thông thường các biểu hiện, hành vi ăn không tập trung của bé:

  • Ngồi ăn một lúc đòi ra
  • Ngồi ghế ăn một lúc thì đòi ra nhưng lại chạy vào nhón chút thức ăn rồi lại chạy đi chơi
  • Vừa ăn vừa ngó nghiêng vừa nói chuyện
  • Đòi ăn hết cái này đến cái khác thức ăn ở trong đĩa của bố mẹ, nhưng chỉ ăn một ít là chán và lại đòi ăn cái khác
  • Ăn ít, chỉ ăn một chút rồi nghịch ngợm

Nguyên nhân của các hành vi kể trên chủ yếu là do sự phát triển của bé: Bé biết nhiều hơn, tò mò khám phá nhiều hơn, nhu cầu ăn ít hơn và mau chóng muốn kết thúc bữa ăn để đi khám phá những điều mới lạ hơn. Sai lầm hay gặp là cha mẹ thường buông xuôi, nghĩ là con không chịu ngồi ghế ăn nữa, con ăn quá ít nên chấp nhận cho con không ngồi ghế ăn, vừa chạy vừa ăn.

Cách khắc phục hành vi này của bé:

Cho con một nếp sinh hoạt ổn định, để con biết thói quen khi nào là giờ ăn, giờ chơi. Để con có cơ hội dược đói. Vì khi đói trẻ mới có động lực để tập trung ăn uống.

Thực hiện quy tắc “cơ hội 3 lần” trẻ càng lớn bạn cần rút ngắn số lần cơ hội. Ví dụ trẻ 2 tuổi trở lên thì số lần cho bé cơ hội để ngồi vào bàn ăn là 2 lần. Nếu bé vẫn không tập trung ăn, vừa ăn vừa chơi, hãy kiên quyết để bé ra khỏi bàn ăn và chờ đến bữa sau. Việc uốn nắn lại kĩ luật của con sẽ không thể có tác dụng trong vòng 1 vài ngày nhưng nếu tất cả người lớn trong gia đình đều nhất quán, và nghiêm túc truyền tải thông điệp của mình bé chắc chắn sẽ nhận ra mình cần phải làm gì.

Hãy khen ngợi con khi con có một bữa ăn tập trung, ngồi ngoan trên ghế và không nghịch phá thức ăn. Bạn có thể thực hiện một bảng khen thưởng, đánh dấu lại những ngày bé ăn ngoan và giao hẹn nếu đủ khoảng 5 đến 7 hoặc 10 dấu thì bé sẽ nhận được một phần thưởng.

Với các bé đã biết nói, hãy dạy bé nói lên nhu cầu của mình. Khi nào bé no, khi nào bé muốn ra ngoài chơi mà không muốn ăn nữa. Hãy để con nói ra và thương lượng cùng con

5, Con không chịu ngồi ghế ăn nữa

Hành vi này thường xuất hiện ở những bé trên 2 tuổi, lứa tuổi luôn thích “cái gì cũng phải y hệt bố mẹ” và đã đi học mẫu giáo. Ở lớp mẫu giáo, các bé được ngồi ghế và bàn dành cho trẻ mẫu giáo để ăn, và bé cũng thấy bố mẹ ngồi ăn khác kiểu với mình, từ đó bé có nhu cầu muốn được ngồi ăn giống bố mẹ hoặc giống ở trường thay vì cái ghế quen thuộc từ bé

Với hành vi này cha mẹ có thể có 2 cách giải quyết :

Cách 1: vẫn để bé ngồi trên ghế ăn và thực hiện quy tắc “cơ hội 2 lần”

Cách 2: mua cho bé bàn, ghế ăn giống ở trường mẫu giáo hoặc để bé ngồi giống của bố mẹ ( có đệm lót hoặc buộc ghế ăn nhỏ vào ghế cao , hoặc bỏ khay ăn của ghế ăn sao cho tư thế ngồi của bé thoải mái nhất khi ăn ). Đặt ra quy định về kỉ luật ăn với trẻ, trong đó có quy định về việc phải ngồi một chỗ tập trung ăn cho đến khi bé ăn no, không chạy chơi linh tinh hay leo lên ghế xuống ghế. Nếu bé vi phạm quy định, hãy áp dụng quy tắc “cơ hội 2 lần”

6, Ném những món bé không thích ăn

Có một số bé phản ứng khá mạnh với các món không thích ăn, và phản ứng phổ biến nhất là ném những món đó đi. Đôi khi đó là cả một món ăn hoặc chỉ là thực phẩm nào đó trong món ăn ví dụ như nếu bé nhặt thịt ra khỏi canh hay nhặt rau ta khỏi món trứng

Nếu bé nhà bạn có hành vi như trên, những việc bạn cần làm là :

Không cỗ vũ, không cười, không la mắng bé khi bé vứt đồ ăn

Đặt một chiếc bát hoặc đĩa nhỏ lên trên bàn ăn của bé, và dạy bé nếu có món nào bé không thích ăn thì hãy để vào chiếc bát/đĩa nhỏ đó. Hãy đặt một tên gọi ngộ nghĩnh cho chiếc bát/đĩa (nếu bé đã biết nói, bạn có thể cùng bé đặt tên) . Khi đến giờ ăn, trước khi bé ăn hãy luôn nhắc nhở bé nhặt những đồ bé không thích bỏ vào chiếc bát đặc biệt. Bé càng nhỏ thì việc tập cho bé thói quen này càng cần kiên trì. Bé càng lớn thì sẽ càng ghi nhớ và dễ tiếp thu hơn

Nếu bé vẫn tiếp tục ném đồ ăn ra sàn khi đã có bát ở trên bàn, hãy thực hiện quy tắc “cơ hội 3 lần ” với bé dưới 2 tuổi và “cơ hội 2 lần” với bé trên 2 tuổi

7, Bé không nhai, chỉ nuốt chửng hoặc chỉ nhai những món mình thích

Nếu bạn có lo ngại bé không nhai thức ăn mà chỉ nuốt chửng, hãy chú ý đên phân của bé, nếu bé có biểu hiện táo bón hoặc phân lợn cợn thì đúng là bé không chịu nhai. Khi đó hãy luôn nhắc nhở bé nhai trước khi bạn cho bé ăn, đặt nhiều thức ăn hơn lên bát của bé tránh tình trạng bé sợ hết thức ăn mà nhai nhanh, khen bé mỗi khi bé nhai kĩ.

Kể cho bé nghe những tác hại của việc không nhai kĩ thức ăn trước khi đi ngủ cũng là một cách hữu hiệu. Bạn cũng có thể tìm hiểu xem có phải vì bé đã chán những thức ăn thường ngày nên chỉ ăn cho xong bữa hay không, nếu đúng là như vậy thì hãy tìm cách đổi món mới cho bé

Nếu bé chỉ nhai những món bé thích, hãy thử tìm cách chế biến mới lạ cho những món bé không thích. Kiên trì đề nghị bé nhai một lượng rất nhỏ thức ăn bé không thích trong mỗi bữa ăn, nếu bé không có dấu hiệu nhai thì ngừng cho bé ăn các thực phẩm hoặc món ăn đó và thử lại vào các lần sau

Ba mẹ có thể tham khảo thêm các bài viết khác về ăn dặm bé chỉ huy (BLW) tại ĐÂY nhé.

Hãy để FamiEdu đồng hành cùng mẹ mang hạnh phúc đến mọi bữa ăn của trẻ. Để được tư vấn, ba mẹ có thể nhắn tại đến page Ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ Trái tim để được các cô FamiEdu hỗ trợ, hoặc ba mẹ tham khảo các khóa học tại ĐÂY.

Chào mừng bạn đến với Cộng đồng ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ trái tim