Sữa và các chế phẩm từ sữa đều giàu dinh dưỡng đối với sức khỏe của bất kỳ ai, biết là vậy nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận kiến thức về sữa. Cùng FamiEdu tìm hiểu thêm thông tin, kiến thức về sữa qua bài viết dưới đây ba mẹ nhé.

Trong sữa bò tươi có đến hơn 100 thành phần khác nhau không những có lợi cho xương mà còn  mang đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và khoáng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, phát triển toàn diện và đẩy lùi nhiều loại bệnh tật. Ngoài chức năng có lợi cho sức khỏe con người, sữa và các chế phẩm từ sữa còn là một trong những nguyên liệu hàng đầu để làm ra những món ăn ngon như bánh, súp nước sốt,… mà khó có nguyên liệu nào có thể thay thế được.

Các chế phẩm từ sữa vô cùng đa dạng và được sử dụng rộng rãi như sữa (sữa nước, sữa bột), sữa chua, phô mai, bơ có thể dùng trực tiếp hoặc các loại kem như whipping cream, topping cream, sour cream,.. có mặt trong hầu hết các công thức làm bánh ngọt, món mặn như những loại sốt ăn kèm

24 câu hỏi thắc mắc của bố mẹ về sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa cho bé

1. Qua sáu tháng cho bé bú thì sữa mẹ không còn chất?

Đây là một quan niệm sai lầm. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé, chính vì thế các mẹ được khuyên cho bé bú đến hai tuổi hoặc tối thiểu là 12 tháng. Trong sữa mẹ có những thành phần quý báu mà không một loại sữa công thức nào có thể “bắt chước” được.Qua sáu tháng sữa mẹ vẫn tốt như trước, chỉ có điều lúc này bé đã lớn hơn và cần thêm dinh dưỡng từ bên ngoài. Chính vì thế, nếu điều kiện cho phép, mẹ đừng cắt đi nguồn dinh dưỡng tuyệt vời này của bé.

2. Làm sao duy trì được nguồn sữa mẹ khi mẹ phải đi làm không cho con bú được?

Nếu không cho bé bú thường xuyên, sữa mẹ sẽ giảm dần đi. Nhưng mẹ có thể vắt sữa thường xuyên để duy trì sữa cho con. Mẹ hãy vắt sữa trước khi đi làm, hoặc vắt sữa ở nơi làm việc rồi gửi về nhà cho bé. Mẹ cũng có thể vắt sữa trữ đông cho bé dùng dần.

3. Sữa mẹ để được bao lâu trong nhiệt độ phòng?

Nếu trời nóng, mẹ đừng để sữa quá một tiếng, nếu trời mát dưới 20 độ C thì để không quá hai tiếng.

4. Sữa mẹ để được bao lâu trong ngăn mát tủ lạnh?

Sữa mẹ chỉ nên để trong ngăn mát tủ lạnh một ngày vì nhiệt độ của ngăn mát tủ lạnh không đủ độ để bảo quản được lâu. Theo các chuyên gia, sữa mẹ để tủ lạnh ở ngăn đá sẽ giúp tránh được vi khuẩn và sử dụng được lâu hơn, chúng ta vẫn thường gọi là trữ đông sữa. Khi sữa mẹ để tủ lạnh ở ngăn đá, thời hạn bảo quản như sau:

  • Đối với tủ lạnh mini chỉ có một cửa chung cho cả ngăn đá và ngăn mát, vì hoạt động đóng mở làm nhiệt độ trong ngăn đá thay đổi liên tục nên chỉ có thể bảo quản được trong 2 – 3 tuần.
  • Đối với loại tủ lạnh 2 cánh, có cánh riêng cho ngăn đá và ngăn mát, sữa mẹ vắt ra có thể để được 3 – 6 tháng.
  • Đặc biệt nếu mẹ nào bảo quản sữa trong tủ kem, loại tủ đông chuyên dụng thì có thể giữ sữa trong 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, sử dụng càng sớm sẽ càng tốt.

5. Khi trữ đông, liệu sữa mẹ có còn dinh dưỡng?

Lý tưởng nhất vẫn là mẹ cho bé bú trực tiếp. Nếu trữ đông và rã đông đúng cách, đảm bảo vệ sinh thật tốt thì chất lượng sữa hầu như không thay đổi. Tuy nhiên sữa trữ đông vẫn kém chất lượng hơn sữa bú trực tiếp, vì chất béo trong sữa bị oxy hóa, đồng thời tính chất chống oxy hóa vốn bảo vệ rất tốt cho bé sẽ bị giảm.Một số sữa mẹ có hàm lượng men lipase cao sau khi rã đông có thể có mùi vị lạ, dù không hại gì nhưng có thể bé không thích mùi và sẽ từ chối dung.

6. Trữ sữa trong ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ đông và dùng sữa trữ đông thế nào cho đúng?

Sau thời gian nghỉ sinh, mẹ phải đi làm trở lại. Nếu muốn tiếp tục cho bé bú sữa mẹ, mẹ cần biết cách trữ đông sữa. Mẹ cần nhớ những điều sau đây:

  • Vệ sinh sạch sẽ, khử trùng máy hút sữa, bình đựng sữa chuyên dụng, hoặc dùng túi nhựa trữ sữa chuyên dụng.
  • Sau khi vắt sữa cho vào bình/túi, mẹ hãy ghi rõ ngày tháng để đảm bảo không cho bé dùng sữa quá hạn, nhớ nguyên tắc “vào trước dùng trước”.
  • Không để sữa vào bình/túi đầy quá ¾ vì khi đông đá thể tích sữa tăng lên gây bục bình/túi.

Trong ngăn đá tủ lạnh, sữa mẹ có thể để tối đa ba tháng (tùy vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng mở tủ). Nếu có tủ đông chuyên dụng, sữa mẹ có thể để đến sáu tháng. Mẹ không nên để sữa ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ không chuẩn.

Khi muốn rã đông, mẹ đưa sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát trước nửa ngày đến một ngày để rã đông tự nhiên, không nên đưa sữa từ ngăn đá ra ngoài ngay vì sữa sẽ bị vi khuẩn xâm nhập, cũng không nên hâm sữa bằng lò vi sóng vì sữa sẽ mất chất. Túi sữa nào bị rò không nên dùng nữa.

Mẹ làm ấm sữa cho bé uống bằng cách ngâm sữa vào trong bát nước khoảng 40°C (không dùng nước sôi). Hoặc dùng máy hâm sữa. Sữa đã rã đông không dùng hết thì phải bỏ đi, không dùng lại hay trữ lại.

7. Pha sữa bột sữa công thức thế nào cho đúng?

Vì lý do đặc biệt mà nhiều mẹ không thể cho bé bú sữa mẹ đến hai tuổi, phải dùng sữa công thức thay thế. Mẹ nên lưu ý mấy điều sau đây khi pha sữa công thức cho con

  • Luộc bình sữa và dụng cụ pha sữa trong nước sôi năm phút để tiệt trùng, hoặc sử dụng máy tiệt trùng.
  • Nhiệt độ của nước pha sữa đúng theo quy định của nhà sản xuất thường là từ 40 đến 50 độ C. Pha bằng nước quá nóng hay quá ngoại đều làm mất cân bằng dinh dưỡng của sữa.
  • Pha đúng theo tỉ lệ mà nhà sản xuất quy định. Nhiều mẹ cố ý pha đặc hơn vì nghĩ bé nhận được nhiều dinh dưỡng hơn, thực chất có thể khiến bé bị táo bón, khiến thận của bé phải làm việc quá sức. Trong khi đó pha loãng lại không đảm bảo dinh dưỡng cho con.
  • Pha lượng sữa vừa đủ cho bé. Nếu bé không uống hết ngay thì chỉ để thêm 1 giờ ở nhiệt độ phòng. Quá thời gian đó sữa bị nhiễm khuẩn, tốt nhất là mẹ hãy bỏ đi.
  • Không nên pha sẵn sữa rồi để trong tủ lạnh, tốt nhất bé uống lần nào pha lần đấy. Còn nếu để tủ lạnh chỉ sử dụng trong vòng 24 tiếng.
  • Không nên làm nóng sữa bằng lò vi sóng. Lò vi sóng sẽ phá hủy các vitamin và khoáng chất có trong sữa. Mẹ có thể dùng máy hâm sữa hoặc đơn giản là ngâm bình sữa vào một bát nước ấm.
  • Không nên dùng nước khoáng, nước tinh khiết để pha sữa. Mẹ nghĩ rằng nước này sạch hơn và có thêm khoáng chất cho bé, thực tế thì pha với sữa sẽ bị dư thừa khoáng chất tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa của bé. Thậm chí sự kết hợp này còn tạo ra những chất trung gian nguy hiểm. Hãy dùng nước bình thường đun sôi để ấm .
  • Không nên dùng nước rau, nước quả pha sữa hoặc chỗ lẫn các loại sữa với nhau. Điều này phá hỏng cân bằng dinh dưỡng trong sữa, thậm chí gây ngộ độc cho bé.

9. Bảo quản sữa bột thế nào?

Mẹ hãy để ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng nắng mặt trời, tránh xa các nguồn nhiệt như bếp, lò nướng. Không để sữa bột trong ngăn đá tủ lạnh, cũng không để ở nơi ẩm ướt vì sữa sẽ bị ẩm mốc. Nếu mua hộp sữa lớn, tốt nhất hãy chia ra hộp nhỏ dùng trước, phần còn lại bọc kín để tránh mở ra mở vào nhiều lần khiến sữa bị ẩm. Khi mở một hộp sữa mới nếu thấy bị vón cục, màu và mùi khác lạ, không thơm không mịn là sữa kém chất lượng, hãy bỏ đi ngay. Hộp sữa sau khi mở nắp chỉ dùng trong vòng 30 ngày.

10. Có phải bé bú sữa công thức sẽ tăng cân tốt hơn bú mẹ?

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho mọi em bé, bởi trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé. Bú mẹ hoàn toàn bé sẽ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, phát triển cân đối thế lực và trí tuệ. Chỉ khi mẹ không có sữa, không đủ sữa hoặc không thể cho bé bú thì mới thay thế bằng sữa công thức. Cũng có những trẻ bú sữa công thức tăng cân nhanh do hàm lượng đạm trong sữa cao nhưng lại dễ bị thừa cân béo phì không tốt cho sức khỏe. Không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh bé bú sữa công thức sẽ cao hoặc thông minh hơn sữa mẹ.

11. Nên cho bé uống sữa công thức đến khi nào?

Nếu bé thích và nếu mẹ đủ điều kiện kinh tế thì cho về hồ sơ công thức đến ba tuổi đến khi nào cũng được. Tuy nhiên trên một tuổi là bé đã có thể uống sữa tươi. Thực tế là sữa tươi và sữa bột công thức có giá trị dinh dưỡng gần như tương đương, nhưng trong sữa tươi có hàm lượng đạm cao mà lại ít khi chất dinh dưỡng hơn nên bé dưới một tuổi hệ tiêu hóa còn non yếu, thận cũng chưa hoàn thiện, chưa thích hợp dùng sữa tươi nên phải dùng sữa công thức phù hợp theo tháng tuổi. Trên một tuổi, bé không nhất thiết phải dùng sữa công thức mới đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, sữa tươi vẫn đáp ứng đủ.

12. Khi nào cho bé uống sữa tươi?

Sữa tươi giàu canxi, phốt pho, vitamin giúp cơ, xương và răng của trẻ phát triển chắc khỏe, đồng thời sữa tươi cũng chứa chất béo cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ. Nhưng vì sữa tươi sẽ khó tiêu hóa cho bé dưới một tuổi nên khi bé được một tuổi trở lên mẹ có thể cho bé uống sữa tươi.

13. Phân biệt sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng thế nào?

Sữa tươi là loại sữa vắt ra từ các động vật như bò, dê, cừu... Sau khi được vắt ra trực tiếp từ động vật sữa có chứa rất nhiều vi khuẩn, vì thế, sữa sẽ phải trải qua các công đoạn xử lý khác nhau trước khi đến với người tiêu dùng. Tùy vào công nghệ, kĩ thuật xử lý sữa như thế nào mà chúng ta có sữa thanh trùng hay sữa tươi tiệt trùng.

Sữa tươi thanh trùng được xử lý ở nhiệt độ từ 75 đến 90 °C trong khoảng thời gian từ 30s để 1 phút rồi được làm lạnh đột ngột xuống 2-4 °C. Vì được xử lý ở mức nhiệt vừa phải, nên sửa tranh trùng giữ được gần như toàn bộ các vitamin, khoáng chất quan trọng và mùi vị thơm ngon của sữa ban đầu. Sữa tươi thanh trùng cần phải bảo quản lạnh từ 3-5 °C và có hạn sử dụng ngắn, thường chỉ trong vòng 10 ngày.

Sữa tươi tiệt trùng được xử lý ở nhiệt độ cao hơn rất nhiều, từ 140-150 °C trong khoảng thời gian ngắn dưới 30s, sau đó sữa được làm lạnh và đóng gói trong bao bì giấy tiệt trùng đặc biệt nên có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường trong khoảng thời gian khá dài từ sáu tháng đến một năm.

Mẹ cần phân biệt thêm loại sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Đây là sữa bột pha với nước và tiệt trùng ở nhiệt độ cao, trong đó sữa bột cũng lấy từ bò, dê nhưng đã được làm khô nhiệt độ cao. Vì trái qua hai lần xử lý nhiệt nên các vitamin bị mất nhiều hơn, nên nhà sản xuất thường bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, DHA… để có được hàm lượng dinh dưỡng như ban đầu (hoàn nguyên). Hơn nữa nhà sản xuất có thể thêm đường, thêm các vị hoa quả để cho dễ uống, hoặc tách chất béo làm sữa gầy…

14. Chọn sữa tươi cho bé thế nào là chuẩn nhất?

Tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn sữa cho bé là phải chọn sữa sạch, từ nguồn nguyên liệu đảm bảo và quy trình xử lý an toàn, hiện đại. Sữa tươi thanh trùng (tiếng anh: Pasteurized Milk) thường được sử dụng sớm nhất cho bé từ khoảng 18 tháng tuổi hoặc lớn hơn vì khả năng gây dị ứng cho các bé nhỏ hơn là khá cao. Tùy vào nhu cầu mà các mẹ có thể lựa chọn sữa thanh trùng có đường hoặc không đường, nguyên kem hoặc tách kem.

Sữa tươi tiệt trùng các mẹ có thể dễ dàng nhận ra với dùng chữ UTH ở trên bao bì (viết tắt của Ultra-High-Temperature – Nhiệt độ cực cao), có thể cho bé uống từ khoảng 12 tháng tuổi. Thực ra mỗi loại sữa có thế mạnh riêng, cha mẹ có thể tùy chọn cho phù hợp với thể trạng và khẩu vị của bé. Vì dụ bé nặng cân thì nên uống sữa gầy, sữa ít đường, bé thích uống sữa vị dâu thì cũng không nhất thiết ép bé uống sữa nguyên vị.

Tuy nhiên nếu mẹ vẫn có điều kiện cho bé bú sữa mẹ đến hai tuổi thì sữa tươi chỉ nên là thức uống kết hợp, không nên dùng thay hoàn toàn sữa mẹ.

15. Làm ấm sữa tươi thế nào cho đúng?

Sữa tươi bảo quản trong tủ lạnh nếu cho bé uống ngay có thể khiến bé bị đau họng nên mẹ cần làm sữa ấm lên. Mẹ có thể ngâm sữa trong nước ấm 46-60 °C.

16. Nên cho con uống sữa tươi có đường hay không đường?

Nếu cân nặng của bé bình thường, mẹ có thể cho bé uống sữa có đường. Nếu bé thừa cân thì nên uống sữa tươi không đường, tránh cho bé bị dư thừa năng lượng.

17. Có phải con uống sữa càng nhiều càng tốt?

Có một nguyên tắc chung là cái gì thái quá đều không tốt. Nhiều mẹ cứ ép con uống sữa mà coi nhẹ việc ăn là điều hết sức sai lầm. Nếu chỉ uống sữa không, dù là sữa tươi hay sữa công thức, bé sẽ không có đủ dinh dưỡng, và dinh dưỡng cũng không cân đối, dư thừa chất này và thiết hụt chất kia.

Ví dụ các vitamin và khoáng chất không đáp ứng đủ nhu cầu của bé khiến bé có thể bị táo bón. Uống sữa nhiều cũng khiến bé lười nhai, lười ăn. Bé một đến hai tuổi chỉ cần 400-500ml sữa một ngày là đủ, còn lại bé cần dinh dưỡng từ các nguồn thức ăn đa dạng khác.

18. Có nên cho con dùng sữa đặc có đường?

Sữa đặc có đường có thể có vị thơm ngon hấp dẫn bé nhưng chất lượng dinh dưỡng rất thấp và không cân đối, có quá nhiều đường nhưng thành phần đạm, chất béo, vitamin và các khoáng chất lại nghèo. Sữa đặc chưng cất từ sữa tươi, thường thì 250ml sữa tươi chưng cất được 100ml sữa đặc, sau đó nhà sản xuất cho thêm 40 % đường vào. Vì độ ngọt quá cao, khi pha 100ml sữa đặc phải pha loãng 5-8 lần mới dùng được, nghĩa là đã pha 250ml sữa tươi loãng ra 2,3 lần.

Vì thế mẹ không nên dùng sữa đặc có đường cho bé thay sữa mẹ hay sữa công thức. Nhưng mẹ hoàn toàn có thể dùng sữa đặc để làm cả món bánh mì hay hoa quả trộn để bé ăn

19. Con có nên uống sữa tươi khi đói?

Nhiều mẹ thấy bé đói mà chưa kịp làm gì cho bé ăn liền cho bé uống tạm cốc sữa cho ấm bụng. Cách này không giải quyết được vấn đề vì khi đói dạ dày co bóp mạnh khiến sữa chưa được tiêu hoá bị đẩy xuống ruột, các thành phần dinh dưỡng, nhất là protein không được hấp thu để hóa giải cơn đói. Nhưng mẹ có thể cho bé uống sữa kèm chút đồ ăn có chứa tinh bột như bánh mì, bánh quy.

20. Tác dụng của sữa chua và khi nào con có thể ăn sữa chua?

Sữa chua là một trong những món ăn bổ dưỡng cho bé. Thành phần dinh dưỡng của sữa chua gồm đạm, chất béo, đường, canxi và một số vitamin, trong đó đạm và chất béo đã được tiêu hóa một phần, đường đã được lên men dễ hấp thu nên đây là món rất dễ chịu với hệ tiêu hóa của bé. Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng, sữa chua còn giúp phòng và trị các bệnh về đường ruột, trong sữa chua của các vi khuẩn có lợi giúp điều hòa hệ thống tiêu hóa của bé. Bé đang bị tiêu chảy hay táo bón ăn sữa chua đều tốt.

Bé từ sáu tháng tuổi đã có thể ăn được sữa chua. Từ 6-12 tháng bé có thể ăn từ nửa hộp đến một hộp mỗi ngày. Bé trên 1-2 tuổi có thể ăn 1-2 hộp một ngày. Bé dưới 6 tháng tuổi có thể ăn sữa chua mẹ tự làm từ sữa mẹ hoặc sữa công thức mà bé uống hàng ngày.

21. Con ăn sữa chua thế nào mới đúng?

Không ăn sữa chua khi bé đang đói, vì khi đó độ PH trong dạ dày thấp, có thể tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong sữa chua, khiến giá trị của sữa chua giảm đi. Bé nên ăn sữa chua khoảng 30 phút sau bữa ăn, lúc này dạ dày đang co bóp mạnh, độ PH cao, là điều kiện tuyệt vời để vi khuẩn tốt trong sữa chua phát huy tác dụng.

Không nên đun nóng, cho vào lò vi sóng hâm hay đổ nước nóng vào sữa chua khiến các vi khuẩn có lợi bị chết và các chất dinh dưỡng mất đi. Sữa chua lấy trong tủ lạnh ra có thể ngâm vào nước ấm 45 ° một lúc cho hết lạnh để bé ăn. Súc miệng cho bé ngay sau khi ăn vì các vi khuẩn dễ làm hỏng men răng của bé.

22. Cho con ăn váng sữa thế nào?

Thành phần dinh dưỡng chủ yếu của váng sữa là chất béo - loại chất béo dễ hấp thu và tiêu hoá, ngoài ra trong váng sữa còn có đạm, canxi cùng một lượng nhỏ các vitamin nên đây là một trong những món ăn phụ rất có lợi cho bé. Mẹ lưu ý với thành phần dinh dưỡng như trên, váng sữa chỉ nên là món ăn phụ bổ sung năng lượng cho bé, nó không phải là “tinh túy của sữa” như quảng cáo nói, không thể dùng thay thế cho sữa mẹ hay sữa công thức.

Bé dưới 6 tháng tuổi chưa nên ăn váng sữa vì hệ tiêu hóa còn non yếu không hấp thụ được. Bé trên một tuổi có thể dùng 1 hộp/ ngày. Bé trên 1 tuổi thiếu cân, suy dinh dưỡng, biếng ăn hoặc mới ốm dậy cần nhiều năng lượng có thể ăn từ 1-2 hộp mỗi ngày trong các bữa phụ. Bé thừa cân, béo phì, trẻ đang bị tiêu chảy, táo bón cũng không nên ăn váng sữa.

23. Cho con ăn phô mai thế nào?

Từ khi bắt đầu vào thời kỳ ăn dặm, bé đã có thể ăn phô mai. Mẹ chỉ cần để ý xem bé có bị dị ứng không hoặc có thích không. Phô mai là một chế phẩm từ sữa rất giàu đạm, chất béo và canxi. Có thể trộn với cháo, bột hoặc cho bé ăn riêng nếu bé thích. Nếu cho vào cháo thì mẹ hãy chờ cháo nguội chừng 80 độ C mới dằm vào để phô mai không mất dinh dưỡng. Và nếu đã thêm phô mai rồi thì không thêm dầu mỡ nữa và bớt thịt cá để dinh dưỡng được cân đối.

Phô mai có thể kết hợp với cháo, khoai tây, thịt bò, thịt gà, thịt lợn, đậu phụ, mi nui, cà chua…, nhưng chờ kết hợp với lươn, cua, mồng tơi, rau dền, vì sẽ ngang và gây đau bụng cho bé.

Một ngày bé có thể ăn một lần, một tuần có thể ăn vài ngày, không nên ăn quá nhiều sẽ bị ngán. Khi bé bị rối loạn tiêu hóa thì tạm ngừng ăn vì phô mai không có lợi cho tiêu hóa. Bé thừa cân cũng không nên ăn phô mai. Bé dưới một tuổi nên ăn loại phô mai có hàm lượng chất béo không quá 20%.

24. Cho con ăn bơ thế nào?

Bơ có thể dùng phết bánh mì, thêm vào cháo cho bé hoặc dùng bơ, xào, rán. Khi đã dùng bơ rồi thì bớt dầu mỡ trong khẩu phần bữa ăn. Bé dưới một tuổi nên dùng bơ nhạt vì trong thành phần loại bơ này không có muối.

             (Nguồn: Sổ tay ăn dặm của mẹ - Bác sĩ: Lê Thị Hải)

Hãy để FamiEdu đồng hành cùng mẹ mang hạnh phúc đến mọi bữa ăn của trẻ. Để được tư vấn, ba mẹ có thể nhắn tại đến page Ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ Trái tim để được các cô FamiEdu hỗ trợ, hoặc ba mẹ tham khảo các khóa học tại ĐÂY.

Chào mừng bạn đến với Cộng đồng ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ trái tim