Tâm lý muốn con/cháu ăn được nhiều, muốn bé ăn được mà rất nhiều bậc ông bà cha mẹ lựa chọn việc cho trẻ ăn rong mà không biết hậu quả của việc làm này. Cùng FamiEdu tìm hiểu tác hại của việc cho trẻ ăn rong và cách khắc phục nhé!

Để mình kể cho các mẹ câu chuyện vui mà chắc chắn bạn sẽ bắt gặp tình trạng này hàng ngày.

Vào giờ ăn, không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh:
- Ông đẩy cháu đằng trước, bà ôm bát cháo chạy theo sau
- Giúp việc 1 tay đẩy xe, 1 tay cầm bát cháo
- Bà bế cháu, mẹ lăm lăm bát cháo bên cạnh
- Giúp việc vác cháu ngang hông, 1 tay bát cháo, 1 tay thìa, chạy quanh xóm.......

Và:
- Con chim kìa ! Há mồm! 1 miếng
- Ô tô kìa! Há mồm! Miếng nữa
- Bác bảo vệ kìa, không ăn bác bắt đi bây giờ! Há mồm! Được miếng nữa
- Ngào ộp kìa! Há mồm ra nhanh lên! Thêm 1 miếng
- Chú ơi nó không ăn đâu, bắt nó đi ạ! Há mồm ra! Lại được 1 miếng...

Chắc chắn là chúng ta đã gặp rất, rất, rất nhiều, vì nó diễn ra thường xuyên xung quanh chúng ta, đến nỗi mà ta coi nó như một chuyện bình thường và hiển nhiên. Con ăn, cháu ăn thì cho ra ngoài, vừa đông vui, vừa được tám, con/cháu vừa ăn được hết phần hết suất. Nhất cử lưỡng tiện.

Khi còn nhỏ, ta cho con/cháu đi rong để đút ăn, trộm vía con/cháu ăn rất tốt, ta hoàn thành nhiệm vụ là mẹ/bà/giúp việc đảm, biết chăm con/cháu, ăn uống tốt, lên cân bụ bẫm, ai cũng khen.

- Rồi đến 1 ngày, ta đau chân/ta bệnh, ta không đưa con/cháu đi ăn rong được. Ở trong nhà nhất quyết nó không ăn. Nó tuyệt thực.
- Rồi đến 1 ngày, ta không làm trò, không cho đi ăn rong nữa là con/cháu nó không thèm ăn. Nó tuyệt thực.
- Rồi đến 1 ngày, tự dưng thấy hệ tiêu hóa của con/cháu ta có vấn đề, ăn mãi không thấy hấp thụ được, liên tục rối loạn tiêu hóa.
- Rồi đến 1 ngày, trong nhà thì tiệt trùng mà con/cháu thì vẫn bị chân tay miệng mà không hiểu tại sao.
- Rồi đến 1 ngày, cứ thấy bên ngoài có bệnh gì là y rằng con nhiễm ngay bệnh đó, thế nó mới vi diệu.

Nguyên nhân tại sao lại như vậy?

Khi cho con/cháu đi ăn rong, tức là chúng ta dùng các ngoại cảnh bên ngoài để con/cháu không tập trung vào bữa ăn và nhét cho con/cháu ăn một cách thụ động. Khi ăn thụ động thì não bộ không chỉ huy hệ tiêu hóa hoạt động chủ động, hệ tiêu hóa lúc này hoạt động một cách miễn cưỡng, các dung dịch tiêu hóa cũng tiết ra 1 cách miễn cưỡng, dạ dày cũng co bóp 1 cách miễn cưỡng, dẫn đến hiện tượng không hấp thu được hết chất dinh dưỡng, cũng không tiêu hóa được hết thực phẩm, cuối cùng làm hại cho hệ tiêu hóa.

Hệ tiêu hóa bị hại ngày này qua tháng khác thì có gặp các vấn đề về tiêu hóa không, cơ thể có nạp có đủ chất được không, ăn có lớn được không?

Khi cho con/cháu đi ăn rong tức là có bao nhiêu vi trùng vi khuẩn ở bên ngoài, ta hốt hết vào bát cháo rồi cố công nhét hết cái đống vi khuẩn đó vào mồm con/cháu. Bệnh từ đây mà ra chứ đâu nữa.
Hãy thử tưởng tượng: Khi cho con/cháu đi ăn rong, đang đứng trong thang máy, thằng bên cạnh hắt hơi 1 cái, bát cháo hứng cho hết, rồi nhét vào mồm con/cháu. Bệnh không?

Và khi cho con/cháu đi ăn rong, bát cháo mà để cả tiếng bên ngoài, bưng đi hết chỗ này chỗ khác. Người lớn ăn thử xem nó còn ngon không mà cứ bắt con/cháu mình ăn cho hết.

Trẻ biếng ăn. Nguồn ảnh: Internet

Từ đâu lại như vậy?

- Vì ông bà, bố mẹ không có đủ kiến thức về cách thiết lập thói quen ăn uống của con

- Vì ông bà, bố mẹ chỉ muốn con cháu ăn nhiều, bất chấp hậu quả

- Vì ông bà, bố mẹ chưa thấy hậu quả nên chưa thấy đau

Giải pháp giúp bố, mẹ là gì?

Với những bạn mới bắt đầu ăn dặm, thiết lập thói quen ngồi vào ghế khi ăn và tuyệt đối không đi ăn rong ngay từ khi bắt đầu. Làm ngay từ đầu rất dễ. Vì trẻ không có sự so sánh giữa đi ăn rong và ngồi ăn. Mặc định ăn là ngồi ghế, và cứ mãi là như vậy.

Khi con có hiện tượng không muốn ngồi ghế để ăn, ăn uống không tập trung, cho con 3 cơ hội để con ngồi ăn lại trong ghế, nếu cả 3 cơ hội vẫn không hợp tác để tiếp tục ăn thì cho con ra khỏi ghế và kết thúc bữa ăn. Để dần dần trẻ biết rằng là: "À, không ngồi ghế ăn cho tử tế là không được ăn, mình phải ngồi tử tế thôi không là mình sẽ đói"

Không phải tự nhiên mà phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và ăn dặm bé chỉ huy (BLW), bắt buộc trẻ phải ngồi ghế khi ăn. Chỉ có ăn dặm truyền thống (ADTT) của chúng ta mới có hiện tượng này.

Bé đã ăn rong thì thay đổi như thế nào?

Áp dụng Quy luật cân bằng trong nuôi con thuận tự nhiên. Cho con được đói, Đói thì con sẽ ăn!

Đến bữa là ngồi vào bàn ăn, không đi ăn rong, đòi đi ăn rong là kết thúc bữa ăn. Để con được đói! Yên tâm là không đứa trẻ nào tự để mình chết đói cả (trừ trường hợp bệnh lý).

Áp dụng đúng quy tắc rồi bé sẽ ăn ngoan trở lại

Nhưng cho con ĐƯỢC ĐÓI LÀ PHẢI ĐÚNG CÁCH! Đúng cách là như thế nào?

1. Xác định vấn đề của con có phải là đòi đi ăn rong mới ăn hay không?

2. Nếu đúng, thì đến bữa ăn, con đòi đi ăn rong chúng ta không đáp ứng, con sẽ không ăn, không sao cả, ta tôn trọng con.

3. Ta cắt hoàn toàn bữa phụ, sữa, đồ ăn vặt ... Chỉ ăn các bữa chính

4. Đến bữa chính tiếp theo, ta lại cho con ăn, và tất nhiên là không đi ăn rong, có thể con sẽ tiếp tục không ăn, không sao cả. Ta tôn trọng quyền quyết định của con

5. Đến tối trước khi đi ngủ, ta xem con có dấu hiệu đói lả không, nếu có thì có thể cho con uống hộp sữa, nếu không thì không sao cả. Cứ kệ con.

6. Không đứa trẻ nào tự bỏ đói mình quá 48h, sau đó sẽ đói ngấu nghiến đòi ăn, đến bữa chính dọn ra cho ăn, nhưng ăn chỉ được 1 ít lại sẽ bắt đầu mè nheo. Không sao cả, cho 3 cơ hội để tiếp tục, nếu không hợp tác thì kết thúc bữa ăn. Và cứ kiên trì thực hiện dần dần như vậy, mỗi ngày lượng ăn của con sẽ tự tăng lên 1 chút (tất nhiên là không đi ăn rong).

Thói quen 1 con người, kể cả người lớn, trẻ con đều cần khoảng 3-4 tuần để thiết lập được. Để sửa thói quen này cho con thì ta cũng cần kiên trì trong khoảng đó thời gian, thì sẽ có kết quả. Sau khi lượng ăn và thói quen ăn uống của con tốt dần lên thì bổ sung dần lại các bữa phụ con.

Có 2 điều tiên quyết để bỏ được việc đi ăn rong của con và giúp con ngồi vào bàn ăn chung với gia đình đó là:

- Thống nhất được trong gia đình về phương pháp rèn lại thói quen ăn uống cho con, mẹ thì quyết rèn, mà ông bà vừa thấy cháu đói đã dí ngay cho cái bánh với hộp sữa thì con không được đói, và con không được đói thì không bao giờ sửa được cái gì hết.

- Mẹ phải thương con Đúng cách, vững tin, kiên trì. Thương con 1 cách mù quáng chỉ làm hại con thôi, vừa sáng quyết tâm cho con đói để rèn thói quen ăn uống, đến chiều thấy nó đói lả lướt thương quá lại cho ăn vặt lại. Kết quả là lại như cũ, chả có gì thay đổi cả.

Mẹ cần lựa chọn giữa việc:

- Để con được đói thật sự vài hôm, sau đó có thể ăn ít 1 thời gian, chấp nhận có thể sẽ sụt cân, nhưng sau 3-4 tuần thì thói quen ăn uống tốt hẳn lên và bắt đầu ăn trở lại,

- Với việc cứ kéo dài mãi cái thói quen ăn uống tệ hại của con và chui vào cái vòng luẩn quẩn không thoát được ra.

Làm mẹ là THIÊN CHỨC
Chăm con là TRÁCH NHIỆM
Muốn chăm con tốt thì phải có KIẾN THỨC
Muốn có kiến thức thì phải HỌC

Hãy là mẹ THÔNG THÁI - Mẹ không thông thái thì CON KHỔ!

                         Đầu bếp Hoàng Cường

Hãy để FamiEdu đồng hành cùng mẹ mang hạnh phúc đến mọi bữa ăn của trẻ. Để được tư vấn, ba mẹ có thể nhắn tại đến page Ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ Trái tim để được các cô FamiEdu hỗ trợ, hoặc ba mẹ tham khảo các khóa học tại ĐÂY.

Chào mừng bạn đến với Cộng đồng ăn dặm 3in1 - Ăn dặm từ trái tim